Cả hai công ty đều là những đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực giao đồ ăn tại khu vực Đông Nam Á với hơn 650 triệu dân. Grab và GoTo đang trong giai đoạn thảo luận sơ bộ về nhiều kịch bản khác nhau.

Một lựa chọn tiềm năng là Grab sẽ mua lại GoTo bằng tiền mặt, cổ phiếu hoặc kết hợp cả hai, theo một trong những nguồn tin cho biết. GoTo được cho là khá cởi mở với thương vụ này sau khi ông Patrick Walujo đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành công ty vào năm ngoái.

Các cuộc thảo luận đã diễn ra và cổ đông lớn của cả hai công ty đều ủng hộ thỏa thuận. Họ đang thúc đẩy các cuộc đàm phán. Tuy vậy, hai công ty sẽ không sáp nhập hoàn toàn và các thoả thuận có thể dẫn đến việc chia tách thị trường. Theo đó, Grab kiểm soát Singapore và một số thị trường khác, trong khi GoTo vẫn duy trì quyền kiểm soát tại Indonesia.

 CEO GoTo,ông Patrick Walujo. (Ảnh: Bloomberg).

Giá trị thương vụ vẫn là một trở ngại chính vì cổ phiếu của GoTo đã giảm khoảng 30% trong 12 tháng qua. Ngoài ra, các rào cản khác cũng liên quan đến cấu trúc sở hữu và quản trị.

Một đại diện của GoTo cho biết “không có cuộc thảo luận như vậy đang diễn ra”, trong khi đại diện của Grab từ chối bình luận.

Mỗi công ty có hàng chục triệu người dùng gọi xe và việc sáp nhập có thể giúp họ tăng giá và tìm thấy sự tương đồng ở các thị trường lớn như Indonesia, nơi sự cạnh tranh khiến giá cả ở mức thấp. Cái bắt tay giữa hai bên cũng có thể giúp thực thể sau thoả thuận trở nên mạnh mẽ hơn trong các dịch vụ có lợi nhuận cao như thanh toán kỹ thuật số và ngân hàng.

Theo Bloomberg, nếu diễn ra thỏa thuận giữa hai công ty internet có giá trị nhất Đông Nam Á với tổng trị giá gần 20 tỷ USD, thì họ sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý.

Rõ ràng, đây là hai công ty này nắm giữa vị trí số 1 và 2 ở các quốc gia như Indonesia và Singapore, và việc sáp nhập có thể mang lại cho họ vị thế thống lĩnh tại một số thị trường.

Uber đã rời khỏi Đông Nam Á vào năm 2018 để đổi lấy cổ phần trong Grab. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn vẫn chưa tạo được ảnh hưởng đáng kể đến vị thế độc quyền của Grab và GoTo ở các thị trường hàng đầu của họ.

Theo các nguồn tin, hai công ty đang cân nhắc các giải pháp cho những lo ngại đó. Cả Grab lẫn GoTo coi sự kết hợp này là một bước tiến lớn hướng tới lợi nhuận, khi cổ phiếu của họ đang giảm mạnh trong bối cảnh thua lỗ gia tăng. Giá cổ phiếu của mỗi công ty đã giảm khoảng 70% kể từ khi niêm yết lần đầu vài năm trước.

Sự cạnh tranh giữa Grab và GoTo đã khiến giá cả ở các quốc gia như Indonesia ở mức rất thấp. Ở thị trường lớn nhất Đông Nam Á, nơi cơ quan quản lý cũng tích cực đảm bảo giá cả phải chăng, một chuyến xe máy có thể có giá dưới 1 USD và một chuyến xe hơi không cao hơn nhiều. Điều đó khiến các công ty gọi xe phải tìm cách mở rộng sang các dịch vụ như giao hàng và thanh toán kỹ thuật số.

 CEO Grab, ông Anthony Tan. (Ảnh: Bloomberg).

Grab và GoTo đã từng xem xét một vụ sáp nhập tiềm năng trước đó trong những năm gần đây. Lần này, các cuộc thảo luận được khởi động lại sau khi GoTo từ bỏ quyền kiểm soát đơn vị thương mại điện tử Tokopedia cho TikTok của ByteDance hồi tháng 12 năm ngoái. Động thái này được cho là khiến Grab và GoTo trở thành một cặp đôi tiềm năng mạnh hơn.

Một thách thức trong các cuộc đàm phán trước đây là vấn đề kiểm soát. Giám đốc điều hành Grab, Anthony Tan, người nắm giữ khoảng 60% quyền biểu quyết tại công ty của mình, đã ủng hộ việc lãnh đạo bất kỳ thực thể sáp nhập nào.

Trong khi đó, ông Patrick Walujo, người lên nắm quyền vào tháng 6, đã đưa GoTo đạt được lợi nhuận trên cơ sở điều chỉnh trong quý IV – điều được xem là một bước tiến trong việc chứng minh cho các nhà đầu tư rằng công ty có tiềm năng lợi nhuận dài hạn.

Grab và GoTo đã tổ chức các cuộc đàm phán không thành công trong quá khứ, sau nhiều năm cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực gọi xe, giao đồ ăn và công nghệ tài chính. Cách đây vài năm, bộ đôi này đã đạt được tiến triển đáng kể về một thỏa thuận, nhưng các cuộc đàm phán đã suy giảm khi họ mâu thuẫn về cách quản lý thị trường Indonesia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0876 242 242