Phát biểu tại cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế diễn ra sáng 7/9, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú cho hay, toàn hệ thống ngân hàng đang phải “chữa bệnh thừa tiền”. Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.
Theo Phó Thống đốc, tính đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%). Hện thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng, toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng.
Đóng góp ý kiến để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, các ý kiến thống nhất cho rằng, thời gian qua Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong điều hành kinh tế nói chung và điều hành chính sách tiền tệ nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của tổng cầu hiện nay, khả năng hấp thụ vốn thấp nên việc triển khai giải ngân tín dụng chưa được như kỳ vọng. Do đó, bên cạnh các giải pháp về tiền tệ, cần có các giải pháp mang tính tổng thể, khôi phục niềm tin của thị trường.
Thị trường tắc thì tín dụng không thể thông
Theo TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nếu chỉ riêng hệ thống ngân hàng khó giải quyết được vấn đề. Trước tiên, về tư duy, “không được đánh đồng” giữa vai trò của NHNN và các ngân hàng thương mại.
Từ tổng thể chung của nền kinh tế, cần có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa các chính sách tài chính với chính sách tiền tệ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều (chủ yếu liên quan đến lãi suất), cần nghiên cứu có giải pháp phù hợp, hiệu quả đẩy mạnh chính sách tài khóa.
Bên cạnh đó, cần tính toán, đánh giá kỹ lưỡng để hướng dòng vốn vào những khu vực có khả năng phục hồi và phát triển, dẫn dắt nền kinh tế, đi đôi với các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh,…
Còn theo PGS.TS Trần Đình Thiên, vấn đề khó nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là vấn đề thị trường. Cho nên phải mở được các thị trường cho doanh nghiệp, “thị trường tắc thì không lĩnh vực nào thông được”.
Theo ông, đây cũng là cơ hội để các ngân hàng tiếp cận doanh nghiệp bằng xu hướng, tiềm năng tương lai… Ví dụ hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo.
Với chính sách tài khoá, ông Thiên cũng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay nên tính toán tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế đảm bảo “đủ mức, đủ độ”,… “Đây là câu chuyện rất khó về cơ chế. Nhưng khó mới cần phải làm”.
Đồng quan điểm với chuyên gia Trần Đình Thiên, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cũng đánh giá, bên cạnh việc giải quyết những vấn đề trước mắt, lúc này cũng phải “bàn chuyện dài hạn”, tính toán xem ngành nào, lĩnh vực nào có thể “kéo 100 triệu dân đi lên” trong thời gian tới để có các giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Đối với lĩnh vực bất động sản, ông Nghĩa cho rằng đây là khu vực có khả năng lan tỏa, trước mắt cần tập trung phát triển nhà ở xã hội. Nhà nước cần có những chính sách để doanh nghiệp “thích thú với nhà ở xã hội” theo hướng Nhà nước làm chính sách, ngân hàng cho vay vốn, doanh nghiệp chỉ lo xây và bán nhà.
Ông Nghĩa cũng nêu các kiến nghị liên quan đến việc mua bán sáp nhập doanh nghiệp để tái cấu trúc nền kinh tế; hỗ trợ ngành dệt may chuyển đổi công nghệ mới, chuyển đổi xanh; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp…
Về điều kiện cho vay, ông Nghĩa cho rằng: Đây là quyền của các ngân hàng thương mại. Quyền lựa chọn theo “khẩu vị rủi ro” của từng ngân hàng. Nhà nước chỉ nên đưa ra khuyến cáo, không nên bắt buộc.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng đề nghị Nhà nước triển khai các chính sách giúp doanh nghiệp giảm áp lực và tối ưu dòng tiền, đẩy mạnh các chính sách tài khóa,… Đồng thời về mặt tín dụng, nên “đặt niềm tin dài hạn vào những ngành có khả năng chuyển đổi để nắm bắt các cơ hội trong tương lai”.
Xem xét điều kiện tín dụng, thiết kế lãi suất hợp lý
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.
Tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành sản xuất chủ lực trong nước, các lĩnh vực tạo sự phát triển đột phá, lan tỏa, truyền dẫn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực hiện các biện pháp hiệu quả để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh những lĩnh vực ưu tiên cũng phải quan tâm cung ứng tín dụng cho các khu vực khác để “góp gió thành bão”, thúc đẩy kinh tế hồi phục, phát triển,…
Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát lại tất cả các điều kiện liên quan đến tín dụng, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội, dư luận, tiếp thu các kiến nghị hợp lý, tháo gỡ được gì thì phải tính toán, có giải pháp điều chỉnh kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế.
“Quan trọng nhất hiện nay là phải tìm điểm cân bằng, thiết kế lãi suất mặt bằng hợp lý,… Đối với những gói hỗ trợ tín dụng đang còn hiệu lực thì tiếp tục cố gắng thúc đẩy, giải ngân tối đa có thể”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng để hỗ trợ kích thích tổng cầu của nền kinh tế. Thực hiện có hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành. Đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, người dân.