Tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023, một số nông dân bày tỏ lo ngại trước quy định cấm nhập khẩu cà phê trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng của EU. 

Anh Y Pốt Niê, đến từ buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Anna, tỉnh Đắk Lắk bày tỏ mối quan tâm là từ cuối năm 2024, quy định mới của EU sẽ có hiệu lực. Vì vậy, câu hỏi của anh Y Pốt Niê là Chính phủ sẽ có những giải pháp gì để đáp ứng yêu cầu này, nhất là về vấn đề quy hoạch vùng trồng cà phê đảm bảo phát triển bền vững thời gian tới?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết trước khi hỏi Chính phủ làm gì cho nông dân, người nông dân tự hỏi chính mình giúp gì được cho nhau.

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bởi, từ chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thì một hộ không làm được vì quy mô rất nhỏ, dù cà phê diện tích tương đối lớn.

“Chúng ta muốn làm kinh tế phải có sản lượng lớn vì thế tôi trước tiên mong rằng bà con dưới sự lãnh đạo của Hội nông dân các cấp cũng như các ban, ngành, hợp tác xã cùng làm với nhau”, ông nói.

Theo Bộ trưởng Hoan, hầu hết  giải pháp để phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” đều đã được đề cập, nhấn mạnh trong Nghị quyết số 19-NQ/TW. 

Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh giải pháp nâng cao năng lực của người nông dân. Nếu người nông dân không có năng lực, không cùng với nhau ngồi vào một bàn tròn kinh tế tập thể thì rất khó.

Diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam là 0,27 ha/người, thấp hơn nhiều so với Thái Lan 0,56 ha/ đầu người.

Nếu so với các nước ở châu Âu, thì họ có tới 7-10 ha bình quân 1 hộ sản xuất. Mà quy mô càng nhỏ chi phí càng lớn. Vì thế, ông Hoan cho rằng công sức của bà con nông dân với quy mô sản xuất như thế đạt được thành tựu rất to lớn, cho thấy sự chăm chỉ của người nông dân. 

“Tuy nhiên, chúng ta không thể nào cạnh tranh được nếu không liên kết những mảng đất nhỏ, những mảnh vườn nhỏ trở thành 1 đại điền lớn là mô hình tỉnh Thái Bình đang làm”, ông nói.

Bộ NN&PTNT sẽ cùng với doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân. 

“Nếu bà con liên kết được và hợp tác xã đủ mạnh thì tôi cho rằng cộng đồng doanh nghiệp luôn sẵn sàng tạo ra những vùng nguyên liệu, ví dụ như cà phê Tây Nguyên. Doanh nghiệp sẽ đầu tư hỗ trợ thêm về máy móc cơ giới, kho dự trữ cà phê… Và chính doanh nghiệp là người đưa nông sản ra thị trường. Nhà nước đóng vai trò cầu nối và tạo ra những điều kiện phù hợp”.

Điều này cũng là một trong những giải pháp thích ứng với quy định mới của Châu Âu. Quy định này bắt đầu áp dụng từ 1/1/2025 với ba ngành hàng nông sản lớn của Việt Nam, trong đó có cà phê.

Để chuẩn bị tốt nhất cho việc thực thi quy định này, Bộ NN&PTNT đã cùng Hiệp hội cà phê ký chương trình hành động cụ thể, trợ giúp và đồng hành cùng nông dân hiểu để đáp ứng đúng quy định này. 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang trong quá trình đàm phán và vẫn còn thời gian để hoàn thiện nhưng cũng cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế thích ứng với những điều kiện ngày càng khắt khe của châu Âu không chỉ với cà phê mà với nhiều loại nông sản khác.

“Trách nhiệm của Bộ NN&PTNT là sẽ thông tin đầy đủ với bà con, sẽ có tổ tư vấn của Bộ cùng các đơn vị chuyên môn của Bộ giúp đỡ, đồng hành cùng nông dân” Bộ trưởng nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0876 242 242