Nghị định 24/2012 ra đời trong bối cảnh hoạt động huy động và cho vay vàng còn nhiều bất cập và tác động đến tỷ giá hối đoái.
Hơn 10 năm sau khi Nghị định 24 được ban hành, các ngân hàng thương mại không còn huy động cho vay vàng. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quản lý chặt chẽ nhập khẩu vàng nguyên liệu về để sản xuất vàng miếng.
Với nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý, thị trường ngày nay gần như không có hiện tượng định giá thanh toán với nhau bằng vàng, đồng tiền Việt Nam được ổn định và có giá trị hơn trước. Chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát cũng ở mức thấp, qua đó cho thấy vị thế của VND được nâng lên. Vàng hóa đã được đẩy lùi khá xa.
Thời gian gần đây, Nghị định 24 gây chú ý trở lại khi Chính phủ yêu cầu NHNN sớm trình sửa đổi. Động thái này diễn ra trong bối cảnh chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới nới rộng, giá vàng SJC và vàng nhẫn đua nhau lập đỉnh.
Trên thị trường, giá vàng miếng và vàng nhẫn hiện đều ở mức cao nhất mọi thời đại, lần lượt 82 triệu đồng và 71 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC chênh lệch khoảng 15- 20 triệu so với giá vàng thế giới, mức chênh lệch này là rất cao.
Có một số quan điểm cho rằng hãy để thị trường tự điều tiết. Vấn đề đặt ra là chênh lệch giá mua – bán có lớn hay không, còn chênh lệch vàng trong nước và thế giới không quá quan trọng.
Để sửa đổi Nghị định 24 và giải quyết vấn đề thị trường vàng, giải pháp là cân đối ngoại tệ để nhập khẩu vàng nguyên liệu nhằm tăng cung cho thị trường, qua đó giảm chênh lệch giá quá lớn.
Giống như mọi hàng hóa khác, hiện nay vàng SJC có độ chênh giá lớn như thế là do cung cầu. Cầu lớn hơn cung thì giá tăng, tăng cung giá sẽ tự giảm. NHNN có thể sử dụng vàng dự trữ hoặc nhập vàng về cho SJC gia công, hay trả lại cho SJC quyền sản xuất gia công vàng miếng.
Cần xem vàng như một hàng hóa thông thường, nếu đã cho phép người dân mua vàng thì cũng nên tạo điều kiện để họ mua vàng với một chi phí hợp lý nhất. Vì vậy cần tạo sự liên thông trong quá trình nhập khẩu vàng về để sản xuất vàng miếng.
Nếu NHNN lựa chọn chi ngoại tệ nhập khẩu vàng, hoạt động này nên được tính toán vào tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhưng đồng thời, vẫn cần phải duy trì dự trữ ngoại hối ít nhất bằng 12 tuần nhập khẩu theo như khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất không phải đề xuất mới, đã được quy định rõ trong Nghị định 24. Nhưng từ đó đến nay, NHNN chưa từng nhập khẩu vàng, cũng chưa cấp phép cho doanh nghiệp nào nhập vàng nguyên liệu. Có thể là do nhà quản lý đang điều hành theo quan điểm “để thị trường tự điều tiết cung cầu”.
Hiện tại chưa rõ NHNN sẽ có cách tiếp cận về mặt quan điểm chính sách như thế nào trong việc chỉnh sửa Nghị định 24.
Nhưng về lâu dài nên trả thị trường vàng về các nguyên tắc căn bản của thị trường: Không phân biệt thương hiệu, giá cả hãy để cho cung cầu quyết định là lẽ đương nhiên, nhưng khi có cầu, cũng cần tạo cung.
Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo các cân đối vĩ mô, như dự trữ ngoại hối, như định hướng các cấu phần trong kim ngạch nhập khẩu.