Những ngày này tại làng nghề trồng hoa của Hà Nội như làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm), làng nghề trồng đào quất Tứ Liên, hoa đào Nhật Tân (quận Tây Hồ), làng hoa Mê Linh, Đan Phượng… bà con đang tất bật với những luống hồng, cúc, ly đang đâm chồi nảy nụ chuẩn bị cho bung hoa vào đúng dịp Tết, nhất là hoa đào, cây quất cảnh đã có khách đặt mua.
Tại làng hoa cây cảnh chuyên trồng đào quất Tứ Liên quận Tây Hồ (Hà Nội) với hơn 400 hộ trồng quất phục vụ cho thị trường Hà Nội. Thời điểm này người nông dân đang bất tật chăm sóc, cắt tỉa và tưới nước giữ ẩm cho cây. Do thời tiết ấm ẩm nên thời điểm này quả quất đã cho trái vàng đều đẹp.
Ông Nguyễn Quang Huy, chủ vườn quất ở Tứ Liên cho biết, để có cây quất đẹp gia đình anh phải chăm sóc quanh năm, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán cận kề càng phải chăm sóc kỹ hơn, từ cát tỉa lá cho đến phun tưới nước giữ ẩm cho cây được tươi tốt; đồng thời còn tư vấn cho khách hàng chọn cây như nào cho phù hợp. Đến thời điểm hiện nay, gia đình anh đã bán được 1/3 vườn rồi, chủ yếu bán và cho thuê cây. Nhiều gia đình đã chọn cây quất bon-sai để trưng trong nhà từ Tết Dương lịch.
Theo chị Khánh Linh, ở quận Tây Hồ Hà Nội, một khách hàng rất yêu thích cây quất cảnh, năm nay các cây quất cảnh có nhiều kiểu dáng mới, được các nghệ nhân ở làng nghề trồng cây cảnh sáng tạo. Đó là ngoài những kiểu dáng tạo thế uốn gốc như thường thấy trước đây. Năm nay, những cây quất cảnh còn có thêm những cây sung, cây đu đủ, cây hoa cúc… trông sinh động và đẹp hơn rất nhiều.
Tất bật chăm sóc hoa phục vụ Tết cũng đến với làng nghề trồng hoa đào Nhật Tân. Ông Nguyễn Văn Hàm, chủ vườn đào Thất thốn- một giống đào cổ, quý hiếm và có sức sống mãnh liệt cho biết, để cho hoa nở đẹp đúng dịp, nên càng gần Tết gia đình ông càng phải chú ý chăm sóc kỹ lưỡng, từ nhiệt độ đến giữ ẩm cho cho cây, không dám sơ suất.
Tại làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) anh Nguyễn Bính, chủ một vườn hoa cho biết, năm nay, gia đình anh đã trồng 2 sào hoa hồng và 3 sào hoa cúc. Tuy nhiên, hoa đẹp dựa vào thời tiết rất nhiều. Năm nay, thời tiết không mấy thuận lợi, ấm hơn mọi năm, có những hôm trời mưa to làm bong hết lớp giấy báo bọc ngoài, làm những vườn hoa hồng ở đây mất dáng và dễ dập nát.
“Những ngày bình thường, một bông hồng son sẽ có giá khoảng 2.000 – 5.000 đồng, vào vụ Tết sẽ bán được với giá 10.000 – 20.000 đồng/bông. Năm nay thời tiết không ủng hộ nên vườn hoa của tôi nở sớm, có thể đến cận Tết sẽ không còn bông để bán”, anh Nguyễn Bính lo lắng.
Đối với hoa cúc do mầm hoa này thường dễ trồng và rẻ hơn so với những loại hoa khác. Hoa cúc trồng ở đây thường cần khoảng 4-6 tháng để phát triển tính từ lúc gieo hạt mới có thể thu hoạch. Những luống hoa nào nở sớm sẽ được người dân thu hoạch trước, giá dao động khoảng 100.000 – 120.000 đồng/50 bông.
Tất bật chăm sóc ruộng hoa cúc kim cương của gia đình, anh Nguyễn Văn Hiệp ở thôn Đại Bái (xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh) cho biết, năm nay, gia đình anh trồng 3,5 mẫu cúc; trong đó có khoảng một mẫu cho thu hoạch vào dịp Tết Giáp Thìn. Nếu giá cả ổn định, vụ hoa Tết năm nay gia đình anh thu được khoảng 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo anh Hiệp, để có được ruộng hoa đẹp nở đúng dịp Tết, gia đình phải tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, từ việc ươm cây, chăm sóc đến tỉa nụ, phòng bệnh… Hơn nữa, trong quá trình chăm sóc phải thường xuyên theo dõi thời tiết để có biện pháp kỹ thuật, che chắn, chong đèn tạo ánh sáng vào ban đêm nhằm kích thích cây non phát triển chiều cao, không ra nụ sớm.
Để quảng bá sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội về các sản phẩm làng nghề hoa cây cảnh, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh thường trực Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, năm nay, lần đầu tiên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tổ chức lễ hội hoa đào, quất cảnh và sản phẩm OCOP các vùng miền Xuân Giáp Thìn 2024 dự kiến được tổ chức tại Không gian văn hoá sáng tạo phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ). Lễ hội này nhằm khẳng định vị thế làng nghề truyền thống lâu đời và nổi tiếng về hoa đào, quất cảnh của quận Tây Hồ và nhu cầu mua sắm giải trí của người dân trong dịp Tết.
Sự kiện sẽ diễn ra với quy mô 100 gian hàng và 3.000 m2 khu trưng bày, giới thiệu, quảng bá hoa đào, quất cảnh, hoa, cây cảnh và sản phẩm OCOP từ các quận, huyện, thị xã của Hà Nội cũng như các vùng miền trên cả nước. Sản phẩm tham gia lễ hội là sản phẩm OCOP đã được UBND các tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên; các sản phẩm chủ lực, đặc sản vùng miền; sản phẩm tiềm năng OCOP… Sự kiện dự kiến diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 26/1 – 1/2/2024.