Giá vàng châu Á dao động gần mức cao nhất trong ba tuần trong phiên ngày 30/8, trong bối cảnh nhà đầu tư giảm đặt cược vào khả năng Mỹ sẽ tăng lãi suất.
Vào lúc 13 giờ 25 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay không đổi ở mức 1.936,39 USD/ounce, thấp hơn khoảng 2 USD so với mức cao nhất kể từ ngày 7/8 được xác lập trong phiên 29/8. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ ổn định ở mức 1.964,20 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu Mỹ giảm xuống mức thấp của ba tuần và đồng USD suy yếu trong phiên ngày 29/8 sau số liệu cho thấy số vị trí việc làm cần tuyển dụng đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm rưỡi trong tháng 7/2023, trong khi niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 8/2023.
Lãi suất thấp thúc đẩy nhu cầu tìm đến những tài sản không sinh lời như vàng.
Nhà phân tích cao cấp của City Index Matt Simpson cho biết tất cả đều liên quan đến đồng USD và lợi suất trái phiếu, nếu số liệu cho thấy kinh tế Mỹ tiếp tục yếu đi, thị trường có thể chứng kiến giá vàng tăng cao hơn, khi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất sẽ ngày một yếu đi.
Hiện các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo của Bộ Thương mại về GDP trong tháng 4-6/2023 vào cuối ngày 30/8, chỉ số giá PCE (chi tiêu tiêu dùng cá nhân) vào ngày 31/8 và báo cáo về số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp công bố ngày 1/9.
Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường đang đặt cược 43% khả năng lãi suất tăng tại cuộc họp tháng 11/2023 so với tỷ lệ 51% một ngày trước đó.
Nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters cho biết giá vàng có thể leo lên mức 1.948 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,7% xuống 24,56 USD/ounce, nhưng vẫn “neo” gần mức cao của một tháng. Giá bạch kim tăng 0,1% lên 977,07 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 19/7 hôm 29/8. Giá palladium giảm 0,6% xuống 1.241,30 USD/ounce.
Vào lúc 14 giờ 16 phút, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 67,5 – 68,12 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).