Chính phủ ban hành Nghị định 64 bổ sung Nghị định số 87 về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20 của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.

Trong đó, bổ sung quy định xác định nguồn tiền lương bổ sung để trả thêm cho người lái máy bay là người Việt Nam.

Cụ thể, đối với Công ty mẹ làTổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), sau khi trả lương cho người lái máy bay là người Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động cho VNA từ quỹ tiền lương thực hiện của người lao động và Ban điều hành theo quy định tại Nghị định số 20 của Chính phủ và khoản 3, khoản 4 Điều 2 Nghị định này (quỹ tiền lương thực hiện) mà mức tiền lương của người lái máy bay là người Việt Nam thấp hơn mức tiền lương của người lái máy bay là người nước ngoài cùng làm việc choVietnam Airlines thì được xác định nguồn tiền lương bổ sung để trả thêm cho người lái máy bay là người Việt Nam.

Cụ thể, nguồn tiền lương bổ sung tối đa hằng năm được căn cứ vào mức độ chênh lệch giữa mức tiền lương trước khi được bổ sung của người lái máy bay là người Việt Nam và mức tiền lương gồm: Lương cơ bản, lương theo giờ bay và lương theo giờ giảng dạy của người lái máy bay là người nước ngoài, tính bình quân tương ứng theo nhóm chức danh trong cùng đội bay và thời gian làm việc thực tế của người lái máy bay. 

Mức tiền lương trước khi được bổ sung của người lái máy bay là người Việt Nam là mức tiền lương được hưởng từ quỹ tiền lương thực hiện hằng năm, theo quy chế trả lương của VNA. Việc phân bổ quỹ tiền lương thực hiện hằng năm để trả lương cho người lái máy bay là người Việt Nam được lấy theo tỷ lệ (%) giữa phần tiền lương thực tế năm 2022 trả cho người lái máy bay là người Việt Nam so với quỹ tiền lương thực hiện của năm 2022. 

Đề xuất tính thêm nguồn tiền lương trả cho phi công người Việt được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) xây dựng từ hồi tháng 5 năm nay trong bối cảnh quỹ tiền lương hiện nay của Vietnam Airlines không đủ bù đắp tiền lương phi công Việt Nam, khiến hãng phải đối mặt với tình trạng phi công đồng loạt nghỉ việc.

Theo Bộ LĐ,TB&XH, giai đoạn 2018 – 2022, có 154 phi công Việt Nam chấm dứt hợp đồng lao động với Vietnam Airlines. 

Với mỗi phi công Việt Nam nghỉ việc trong giai đoạn bình thường, Vietnam Airlines phải tuyển một phi công nước ngoài thay thế và phải mất thêm một khoản chi phí khoảng 2,5 tỷ đồng/người/năm.

Do đó, Vietnam Airlines đã có kiến nghị gửi Bộ LĐ,TB&XH nhằm xây dựng chính sách xác định nguồn tiền lương bổ sung để trả thêm cho phi công Việt Nam. Hãng cho biết, tổng quỹ tiền lương năm 2022 của hãng là gần 1.700 tỷ đồng, mức tiền lương bình quân của phi công Việt Nam là 85 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 59% so với phi công nước ngoài (khoảng 145 triệu/tháng) cùng làm việc tại Vietnam Airlines.

Mặc dù đồng ý tăng quỹ lương để trả cho phi công người Việt tuy nhiên, Nghị định cũng nêu rõ việc xác định nguồn tiền lương bổ sung phải phù hợp với khả năng đáp ứng tài chính của Vietnam Airlines, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao hằng năm. Nếu hãng lỗ thì phải giảm lỗ so với thực hiện của năm trước liền kề. 

Nguồn tiền lương bổ sung được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh của Vietnam Airlines theo quy định của pháp luật và được sử dụng để trả cho người lái máy bay là người Việt Nam đang làm việc theo hợp đồng lao động cho Vietnam Airlines tại thời điểm trả thêm tiền lương, không chi trả cho các đối tượng khác hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0876 242 242