Thông tin về sự việc khách hàng “gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm 82 năm” được phản ánh trên các kênh truyền thông mới đây, Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Cần Thơ đã có văn bản phản hồi thông tin cụ thể với cơ quan chức năng.
Theo đó,bà Huỳnh Thị Thanh Dung (TP Cần Thơ) đã có đơn phản ánh gửi đếnNgân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Cần Thơ về việc hai nhân viên của MB chi nhánh Cần Thơ đã tự đến cửa hàng kinh doanh của bà để tiếp cận, tư vấn “gửi tiền tiết kiệm cho con”. Nhưng sau đó, bà Dung được ký hợp đồng điện tử mua bảo hiểm có thời hạn đáo hạn 82 năm.
MB Cần Thơ khẳng định việc mua bảo hiểm nhân thọ là hoàn toàn tự nguyện từ khách hàng,không có việc ép mua bảo hiểm. Phía MB Cần Thơ đã thực hiện giới thiệu khách hàng tới nhân viên của Công ty MB Ageas Life để được thực hiện tư vấn, mua bảo hiểm theo đúng quy định.
Trong quá trình phối hợp kiểm tra thực trạng hợp đồng bảo hiểm của khách hàng H.T.T.D., MB Cần Thơ xác định hợp đồng được phát hành đầy đủ. Khách hàng đã tự nguyện đóng phí và ký đầy đủ hồ sơ khi tham gia trên cơ sở nhu cầu thật của khách hàng.
Ngân hàng cùng công ty bảo hiểm MB Ageas Life cho biết đã phối hợp làm việc, tư vấn rõ ràng, đầy đủ quyền lợi cho khách hàng và giải thích thỏa đáng các nội dung vướng mắc của khách hàng. Phía MB Ageas Life cũng có văn bản phúc đáp khách hàng các vướng mắc và quyền lợi theo hợp đồng bảo hiểm vào ngày 9/8.
Liên quan đến nội dung hợp đồng bảo hiểm, MB Cần Thơ cho biết khách hàng đóng bảo hiểm là bà H.T.T.D, người được bảo hiểm là con gái của bà này, chị Đ.T.G.H. Ngày gửi của hợp đồng bảo hiểm này là 27/9/2022, thời gian đóng phí của hợp đồng là 6 năm, người được bảo hiểm được bảo vệ đến năm 100 tuổi, thời gian bảo vệ tối đa là 82 năm.
Những sự việc như thế này không phải lần đầu diễn ra trong quá trình bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng.
Theo thống kê từ Hiệp hội Bảo Hiểm Việt Nam, trong năm 2022 qua kiểm tra, hiệp hội đã phát hiện khoảng 3.100 trường hợp đại lý sai phạm, với 14 nhóm hành vi, trong đó có lỗi tuyên truyền quảng cáo sai về sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH). Tình trạng này đã tồn tại từ nhiều năm trước nhưng với số lượng nhỏ, tuy nhiên khi kênh bancassurance tăng trưởng bùng nổ thì vấn đề về chất lượng nhân viên tư vấn lại trở lại.
Bên cạnh việc yêu cầu tăng cường kiểm soát về chất lượng tư vấn bán bảo hiểm từ phía nhà quản lý và doanh nghiệp bảo hiểm, về phía người mua cũng nên cẩn trọng hơn trong việc tham gia các sản phẩm tài chính, bảo hiểm, đặc biệt là các sản phẩm có tính rủi ro cao như bảo hiểm liên kết đầu tư.
Một trong những vấn đề mà nhiều khách hàng bị nhầm lẫn là mức thời gian đóng phí. Thông thường đối với các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, thời gian đóng phí được thể hiện trên hợp đồng là tới thời điểm khách hàng 99 tuổi. Tuy nhiên, thời gian này không đồng nghĩa với việc khách hàng bắt buộc phải đóng phí tới 99 tuổi như nhiều người lầm tưởng.
Người mua bảo hiểm sẽ có thời gian đóng phí bắt buộc (ở trường hợp được phản ánh nêu trên là 6 năm) và sau đó sẽ là thời gian đóng phí linh hoạt. Điều này có nghĩa rằng sau 6 năm khách hàng có thể điều chỉnh giảm mức phí đóng hay thậm chí dừng đóng phí, tuy nhiên, quyền lợi bảo hiểm đi kèm cũng sẽ giảm dần.
Bên cạnh đó, tại các công ty bảo hiểm hiện nay khách hàng sau khi ký hợp đồng bảo hiểm sẽ thường nhận được xác minh từ phía công ty bằng các hình thức như welcome call, tin nhắn,… và luôn có 21 ngày để cân nhắc sau khi ký hợp đồng.