Trong báo cáo mới phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng việc nhìn lại lịch sử có thể giúp dự báo một phần biến động tỷ giá trong thời gian tới, việc USD neo cao trong thời kỳ đầu của chu kỳ nới lỏng tiền tệ có thể gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. Diễn biến này có thể kéo dài ít nhất trong nửa đầu năm 2024.
Nguyên nhân chính khiến VND mất giá trong tháng đầu năm
Trong tháng 1, tỷ giá USD/VND biến động tăng mạnh nhưng trong biên độ cho phép. Tại ngày 25/1/2024, tiền đồng mất giá 1,4% so với đầu năm và sau đó hạ nhiệt chỉ còn tăng 0,6% so với đầu năm đối với tỷ giá trên thị trường chính thức và 0,1% đối với tỷ giá trên thị trường tự do.
Theo VDSC, nguyên nhân chính khiến VND mất giá trong tháng đầu năm là do sự phục hồi của USD, xuất phát từ việc nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed.
Theo công cụ FedWatch, xác suất cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 3 sắp tới của Fed đã giảm từ mức 70% tại thời điểm đầu năm chỉ còn 34,5% sau thông cáo của Fed trong cuộc họp ngày 31/1.
Trong khi đó, kỳ vọng của thị trường về mức cắt giảm trong năm 2024 vẫn giữ nguyên ở mức 150 điểm cơ bản với xác suất 42,8%.
Theo đó, DXY trong tháng 1 phục hồi lên mức 103, cao hơn 1,7% so với đầu năm. Ngoài ra, mức chênh lệch dương của lãi suất USD-VND vẫn neo ở mức cao trong tháng đầu năm (4,85 điểm %), cũng là yếu tố gây áp lực lên diễn biến của tiền đồng.
USD có lợi thế hơn hẳn trong giai đoạn đầu năm 2024
So với các đồng tiền khác, tiền đồng là một trong những đồng tiền giảm giá ít nhất so với USD trong tháng 1. Trong bối cảnh NHTW Trung Quốc tiếp tục thực hiện thêm biện pháp nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, tình hình kinh tế không khả quan trong tháng đầu năm khiến Nhân dân tệ mất giá khoảng 1,1%.
Trong khi đó, đồng yen Nhật mất giá mạnh nhất (3,8%) khi nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi tín hiệu thay đổi chính sách lãi suất âm từ NHTW Nhật Bản. Các đồng tiền khác trong khu vực ASEAN (trừ Việt Nam) đều mất giá từ 1-3% trong tháng 1.
VDSC nhận định đặt trong tương quan về triển vọng kinh tế và chính sách tiền tệ của các NHTW, USD có lợi thế hơn hẳn trong giai đoạn đầu năm 2024.
USD thường giảm sức mạnh vào cuối chu kỳ nới lỏng tiền tệ
Theo nhóm phân tích, dù bối cảnh kinh tế năm 2024 là khác biệt, một so sánh về biến động của giá dầu, USD và giá vàng trong giai đoạn Fed nới lỏng (2019-2021) và thắt chặt chính sách tiền tệ (2022-2023) đưa ra một số hàm ý.
Thứ nhất, trong giai đoạn Fed thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, USD biến động tăng giá mạnh trong giai đoạn đầu và duy trì sức mạnh suốt một thời gian sau đó khi lãi suất neo ở mức cao.
Thứ hai, ở thời kỳ Fed cắt giảm lãi suất, các bước cắt giảm đầu tiên không tạo ra nhiều thay đổi với xu hướng của USD, và sự suy giảm của USD chỉ diễn ra sau đó khi chu kỳ cắt giảm lãi suất đi đến hồi kết.
Thứ ba, biến động giá dầu và giá vàng trong thời kỳ nới lỏng và thắt chặt chính sách của Fed khá thú vị.
Cụ thể, dầu thô trải qua biến động tăng và giảm mạnh nhưng xu hướng chung là tăng trong thời kỳ Fed nới lỏng và giảm trong thời kỳ Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong khi đó, giá vàng tăng giá trong cả hai thời kỳ.