Mới đây, Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP HCM kiến nghị nhập khẩu bổ sung thêm lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu tối thiểu 600.000 tấn đường để đảm bảo cân đối cung – cầu trong nước. Con số này được đưa ra dựa trên cơ sở thiếu hụt gần 1,2 triệu tấn đường, trừ đi khoảng 600.000 tấn đường nhập khẩu không chính thức.
Bình luận về đề xuất trên, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng nên nhập hết lượng đường theo hạn ngạch thuế quan tối thiểu năm 2023 sau đó tính toán lại có thiếu hay không.
“Lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan của năm nay tối thiểu là 119.000 tấn, theo cam kết với WTO. Quan điểm của hiệp hội là cần thực hiện cam kết này. Chúng ta nhập khẩu hết theo hạn ngạch thuế quan đã, sau đó mới đánh giá lại có thực sự thiếu hay không. Nếu có dấu hiệu thiếu thật thì mới phản ứng tiếp, lúc đó vẫn còn kịp”, ông Lộc cho biết.
Thời điểm thực hiệu đấu giá hạn ngạch thuế quan khối lượng 119.000 là tháng 9. Ông nói thêm sau khi thực hiện khối lượng đấu giá hạn ngạch thuế quan khối lượng 119.000 tấn, nếu có dấu hiệu giá đường tăng cao do thiếu nguồn cung hoặc găm hàng tăng giá, VSSA sẽ nhận trách nhiệm đề xuất với các bộ ngành liên quan để đề xuất bổ sung hạn ngạch thuế quan 2023 trước khi vào vụ ép 2023 – 2024.
Theo số liệu của VSSA, ước tính năm 2023, nguồn cung đường có thể dư thừa 417.321 tấn, cao hơn so với mức 395.000 tấn của năm 2022.
Theo đó, nhu cầu đường trong nước năm nay không đổi so với 2023 quanh mức 2,3 triệu tấn. Trong nửa đầu đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến hàng trăm nghìn lao động bị giảm giờ làm mất việc, ảnh hưởng đến thu nhập. Điều này kéo theo tiêu dùng các mặt hàng đồ uống, bánh kẹo, đồ ăn cũng giảm theo, ảnh hưởng đến tiêu thụ đường.
“Số liệu ước tính cung cầu có thể thể sai lệch phụ thuộc vào lượng đường nhập lậu năm nay được kiểm soát ra sao. Ngoài ra, hiện nay ngành đường Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị vào vụ sản xuất ép mía 2023-2024”, ông Lộc lưu ý thêm.
“Trong ngành thực phẩm, sản xuất nước giải khát là một trong những ngành sử dụng nhiều đường nhất. Tuy nhiên, hiện nay các công ty dùng rất ít đường mía và chuyển sang sử dụng đường lỏng sirô ngô (HSFC). Do đó, việc Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP HCM cho rằng thiếu đường cần đánh giá thêm vì ngành này đã giảm sử dụng đường mía, lượng đường HFCS nhập khẩu thời gian qua tăng rất nhiều.
Còn nếu thực tế thiếu thật, thì sẽ là do cơ quan chức năng đánh giá cẩn thận. Năm ngoái Hiệp hội Sữa cũng có văn bản gửi Phó Thủ tướng rằng thiếu 600.000 – 800.000 tấn đường nhưng rồi thực tế không hề thiếu”, ông Lộc nói.
VSSA dẫn số liệu của Tổng Cục Hải quan cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, lượng đường HFCS nhập khẩu cao gấp đôi so với cả năm 2022 ở mức hơn 123.000 tấn. Dự kiến cả năm 2023, con số này có thể nâng lên 309.000 tấn.
Mới đây, VSSA cũng khuyến cáo các doanh nghiệp hội viên sản xuất tham gia bình ổn thị trường bằng cách đưa đường ra thị trường theo yêu cầu sử dụng, tuyệt đối không tiếp tay hành vi găm hàng, đẩy giá.
Hiệp hội cũng khuyến nghị các doanh nghiệp giữ giá bán đường như hiện nay, không để giá tăng thêm nữa. Bởi, theo VSSA mức giá hiện tại là hợp lý, đảm bảo được mục tiêu hài hoà lợi ích giữa các bên.
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, VSSA kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh các quy định đấu thầu hạn ngạch thuế quan để ngăn cản các hành vi bắt tay vô hiệu hoá hình thức đấu giá, đảm bảo kết quả đấu giá phân giao phù hợp với quy định. Không quy định tỷ lệ lượng đường thô và đường tinh luyện nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan 2023, đồng thời mở rộng đối tượng tham gia đấu giá là thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất, thương nhân sản xuất mía đường và thương nhân kinh doanh thương mại đường.