Đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024, ông Thái Quang Trung, Phó Giám đốc Đầu tư của VinaCapital, cho biết lợi nhuận thị trường sẽ gặp ít biến số khó lường hơn triển vọng định giá. VinaCapital đặt ra kịch bản năm nay GDP tăng trưởng từ 6-6,5%, lạm phát giữ ở mức 3-4%.

Ngay khi cả có kịch bản khủng hoảng ở thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ, khủng hoảng chỉ ở mức khiêm tốn, không lớn. Do đó, hàng tồn kho ở Mỹ sớm muộn cũng tăng lên lại, kéo theo tăng trưởng lợi nhuận các công ty trên sàn chứng khoán sẽ đạt khoảng 13% năm 2024.

Triển vọng định giá theo chỉ số P/E có nhiều biến số khó lường hơn. Tuy vậy, ông Trung chỉ ra rằng mức định giá tăng từ 9 lên khoảng 10 lần ở thời điểm hiện tại vẫn còn rẻ, nếu so với định giá trong 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, vị thế TTCK Việt Nam hiện tại so với 10 năm trước đây rất khác, nên sớm muộn P/E cũng tăng lên.

Từ trái qua: Ông Nguyễn Ngọc Anh Kiệt, Quản lý Kinh doanh cấp cao của VinaCapital; bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư của VinaCapital; ông Thái Quang Trung, Phó Giám đốc Đầu tư của VinaCapital. Ảnh: Chụp màn hình. 

Về con số tăng trưởng 13% của lợi nhuận thị trường, ông Trung cho biết sẽ đến trên diện rộng nhiều ngành.

Trong đó, ngành ngân hàng có tác động rất lớn đến toàn thị trường. Sự kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế kéo theo tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng, dự báo đạt 18% trong 2024. Ngành ngân hàng đang được định giá rẻ, thuộc nhóm rẻ nhất thị trường. “Rất nhiều ngân hàng đang có mức P/B chỉ khoảng trên lần, P/E dự phóng của chỉ 4-5 lần.”, ông Trung cho biết.

Khi đầu tư vào nhóm ngân hàng, VinaCapital chú ý nhất đến vấn đề tài sản, cùng với phương pháp định giá phù hợp để lựa chọn vào danh mục.

Cổ phiếu ngân hàng hàng đã có nhịp tăng mạnh trong khoảng nửa tháng gần đây. Đánh giá diễn biến này, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư của VinaCapital, Nhà điều hành Quỹ VESAF, chỉ ra hiệu suất nếu nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ngân hàng năm 2023 chưa được như kỳ vọng. Việc một nhịp tăng ngắn hạn không thể làm định giá nhóm ngân hàng kém hấp dẫn đi được. Nhà đầu tư cần phân tích từng ngân hàng để xem sự phục đến từ yếu tố nào.

Lãi suất thấp và tỷ giá ổn định sẽ kéo NĐT đến với chứng khoán

Về vấn đề tỷ giá, theo bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư của VinaCapital, Nhà điều hành Quỹ VESAF, trong một năm khó khăn như 2023, nội lực thu hút ngoại tệ của Việt Nam tương đối tốt. Theo đó, sức mạnh VND vẫn được đánh giá thuận lợi năm 2024.

Điểm mấu chốt khiến đồng USD tăng giá đến từ chênh lệch lãi suất liên ngân hàng giữa VND và USD. Mặt khác, lãi suất của Mỹ có khả năng giảm dần trong năm 2024, khi nhà đầu tư nhìn vào sẽ kỳ vọng mức chênh lệch giảm dần. Quan sát diễn biến của đồng USD trong quá khứ cho thấy, đồng USD chỉ tăng giá mạnh khi kinh tế Mỹ quá mạnh hoặc suy thoái nặng. Cả hai trường hợp trên điều khó xảy ra trong năm 2024.

Ở góc độ đầu tư, nhà điều hành quỹ VESAF cho biết ở thời điểm này gửi tiền ngân hàng sẽ không còn lãi suất cao như năm 2023. TTCK chứng kiến sự hồi phục của thanh khoản trong những tháng cuối năm 20223 và tuần đầu của năm 2024.

Theo vị chuyên gia quan sát, lượng tiền chờ mua trong tài khoản chứng khoán của các công ty chứng khoán cũng như tỷ lệ margin tăng dần qua các quý, chứng tỏ nhà đầu tư bắt đầu nhìn vào TTCK như một kênh đầu tư trong năm 2024.

Năm 2024, dòng tiền trong nước được đánh giá sẽ tích cực hơn do mặt bằng lãi suất thấp. Điều này làm tăng tính hấp dẫn của các tài sản đầu tư, bao gồm cả bất động sản.

Ngoài ra, chênh lệch tỷ suất lợi nhuận của TTCK được đo bằng đảo ngược của chỉ số P/E (PEG) hiện giờ đang khoảng 10%. So với lãi suất huy động 12 tháng của ngân hàng khoảng 5%, con số chênh lệch đạt đến 5 điểm phần trăm – là mức rất cao so với quá trình diễn biến trong lịch sử của TTCK Việt Nam.

Trong hơn 10 năm qua, VN-Index từng ghi nhận 3 lần lao dốc sâu gồm 2011, 2018 và 2022. Trong đó 2011 và 2022 đều có điểm chung lãi suất cao; năm 2018 thì định giá đắt. Năm 2024 cả 2 yếu tố đó đều đang rất thuận lợi cho TTCK, nên có cơ sở tin rằng nhiều nhà đầu tư chọn kênh này.

Về dòng tiền nước ngoài, câu chuyện rút ròng năm 2023 không phải riêng tại Việt Nam, ghi nhận trên toàn các nước trong khu vực. Dòng tiền trong những giai đoạn bất ổn thường đi vào các thị trường đã phát triển và ít rủi ro hơn. Năm qua, danh mục các quỹ đầu tư toàn cầu cũng chuyển dịch danh mục rất nhiều sang tiền mặt cũng như các sản phẩm tiền tệ. Chuyên gia kỳ vọng dòng tiền ngoại sẽ không tiếp tục rút ra đáng kể trong 2024, đó là chưa tính yếu tố khả năng nâng hạng.

Theo bà Phương, các tiêu chí đầu tư cổ phiếu trong 2024 tập trung đến khả năng phục hồi lợi nhuận trong 2 năm kế tiếp, khả năng giành thị phần trong điều kiện kinh doanh còn khó khăn. VinaCapital đang quan tâm đến một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tiêu dùng, công nghiệp, hạ tầng…

“Danh mục các quỹ năm nay sẽ bớt mang tính phòng thủ hơn.”, bà Phương chia sẻ.

Bàn về rủi ro, yếu tố xung đột địa chính trị vẫn khó lường, là ẩn số có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế chung cung như TTCK trên toàn cầu. Gần nhất, xung đột tại Trung Đông khiến giá cước vận tải biển tăng đáng kể. Thứ hai, năm 2024 sẽ chứng kiến nhiều cuộc bầu cử trên toàn thế giới, với những diễn biến và ảnh hưởng khó dự báo được.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0876 242 242