Kết phiên 17/1, chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 3,9%, ghi nhận ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2022. Đây cũng là chỉ số giao dịch kém nhất trên toàn cầu trong năm 2024 với mức lỗ 11%.
Chỉ số CSI 300 của các cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc đại lục sụt 2,2% khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 13 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,8 tỷ USD) cổ phiếu, mức cao nhất trong hơn một năm qua.
Dẫn đầu đà giảm trên thị trường là cổ phiếu của các nhà phát triển bất động sản. Một chỉ số theo dõi các cổ phiếu bất động sản do Bloomberg tổng hợp giảm 6,2% khi giá nhà tiếp tục xuống thấp hơn.
Các nhà đầu tư, vốn đã hụt hẫng vì Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc không hạ lãi suất vào đầu tuần này, có vẻ xuống tinh thần khi các dữ liệu mới công bố cho thấy những thách thức dai dẳng từ giảm phát và khủng hoảng bất động sản.
Theo Bloomberg, giá cổ phiếu tiếp tục giảm ngay cả sau khi hãng này đưa tin vào cuối ngày 16/1 rằng Trung Quốc đang cân nhắc phát hành lượng trái phiếu chính phủ đặc biệt trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ để củng cố nền kinh tế.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2024 ở Davos (Thuỵ Sỹ), Thủ tướng Lý Cường đã đề cập đến thành tựu kinh tế của Trung Quốc. Ông nói tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 là 5,2%, vượt mục tiêu chính thức mà không cần các gói kích thích lớn.
Song, loạt dữ liệu mà Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố gần đây có thể đã gây thất vọng cho nhà đầu tư. Báo cáo cho thấy GDP quý IV tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước – thấp hơn một chút so với kết quả thăm dò của Reuters. Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm cũng là 5,2%.
Báo cáo còn chỉ ra, nếu loại trừ những người vẫn đang đi học, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 đến 24 tuổi là 14,9%. Tỷ lệ tương tự ở các thành phố lớn trong tháng 12 là 5,1%. NBS tạm ngừng công bố tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm người trẻ vào mùa hè năm ngoái với lý do cần phải đánh giá lại phương pháp tính toán. Thước đo này từng tăng lên mức kỷ lục 21,3% vào tháng 6 cùng năm.
Cũng theo báo cáo, doanh số bán lẻ tháng 12 tăng 7,4% so với một năm trước, thấp hơn mức dự báo 8%. Sản lượng công nghiệp đi lên 6,8%, vượt kỳ vọng tăng 6,6%. Đầu tư tài sản cố định năm 2023 tăng 3%, cao hơn một chút so với ước tính 2,9% của Reuters. Song, đầu tư bất động sản sụt 9,6%.
NBS còn cho biết dân số Trung Quốc đã giảm hơn 2 triệu người xuống còn 1,41 tỷ vào năm 2023. Năm 2022, dân số Trung Quốc cũng đi xuống nhưng với mức giảm thấp hơn là 850.000 người, đánh dấu lần suy giảm đầu tiên kể từ năm 1961.Sụt giảm dân số là thách thức dài hạn với chính phủ và nền kinh tế Trung Quốc.
Số trường hợp chết tăng lên 11,1 triệu người, cao hơn gần 700.000 người so với một năm trước và là mức cao nhất kể từ năm 1960. Trung Quốc ghi nhận 9,02 triệu trẻ em chào đời năm 2023, con số thấp nhất kể từ năm 1949. Số trẻ mới sinh đã ở trên đà giảm kể từ thập niên 1960.
Sau khi chính phủ nới lỏng chính sách một con vào năm 2016, số ca sinh chỉ tăng trong khoảng thời gian ngắn ngủi và các biện pháp khuyến sinh tiếp theo không tạo ra được nhiều tác động. Số ca sinh sụt giảm có thể gây ra thêm khó khăn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Bà Shen Meng, Giám đốc điều hành tại ngân hàng đầu tư Chanson & Co. ở Bắc Kinh, nhận xét dân số già hóa và tỷ lệ sinh sụt giảm sẽ “dẫn đến các thay đổi mang tính cấu trúc tới tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là đối với tiêu dùng”.
Trung Quốc đang nỗ lực để đảo ngược xu hướng giảm của tỷ lệ sinh, bởi điều này có thể làm giảm quy mô của lực lượng lao động, ảnh hưởng tới tăng trưởng và hệ thống lương hưu. Ngoài Trung Quốc, một số quốc gia Đông Á khác cũng gặp vấn đề tương tự bao gồm Hàn Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản.
Để giải quyết vấn đề già hóa, hôm 15/1 Trung Quốc đã công bố kế hoạch dành cho “nền kinh tế bạc” ước tính trị giá hàng nghìn tỷ USD. “Nền kinh tế bạc” bao gồm các dịch vụ cho những người lớn tuổi như giao đồ ăn, giải trí và viện dưỡng lao.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết vào cuối năm 2022, có đến 20% trong số 1,4 tỷ người dân Trung Quốc đại lục là người từ 60 tuổi trở lên. Ủy ban dự báo tỷ lệ này sẽ vượt quá 30% trong vòng một thập kỷ.
Một báo cáo được công bố vào tuần trước cho thấy áp lực giảm phát tại Trung Quốc vẫn còn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 sụt 0,3% so với cùng kỳ, xác lập chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 10/2009. Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp CPI đi xuống.
Ngoài ra, tính chung cả năm 2023, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 4,6%, trong khi nhập khẩu sụt 5,5%. Nhu cầu của thị trường quốc tế đối với hàng hoá Trung Quốc giảm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại và quan hệ thương mại của quốc gia tỷ dân với các đối tác lớn suy yếu.