Tình hình căng thẳng trên Biển Đỏ đang khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang khu vực châu Âu chịu ảnh hưởng do chi phí vận tải tăng mạnh, thời gian vận chuyển kéo dài; đặc biệt là với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng nông sản, đông lạnh… Tuy vậy, với nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày tác động này là chưa nhiều.
Theo Hiệp Hội Da giày – Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, căng thảng trên Biển Đỏ đến thời điểm hiện tại chưa tác động ngay đến các doanh nghiệp dệt may và da giày. Bởi hầu hết doanh nghiệp đều sản xuất và nhận đơn hàng theo hình thức FOB. Tức là doanh nghiệp nhận đơn hàng từ các đối tác, sau đó tiến hành may và hoàn thành sản phẩm.
Việc cuối cùng đưa các sản phẩm ra bến tàu, để chuyển hàng cho khách. Đây sẽ là nơi tập kết hàng cuối cùng, còn các chi phí vận chuyển tiếp theo sẽ là nhiệm vụ của đối tác, người đặt hàng. Hơn nữa hiện các doanh nghiệp đã nhận đơn hàng hết quý I/2024. Nhưng về lâu dài nếu căng thẳng tại Biển Đỏ kéo dài thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến các đơn hàng dệt may, da giày mới, cụ thể là từ quý II/2024 trở đi.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho biết, việc căng thẳng Biển Đỏ gây ảnh hưởng trực tiếp tới tuyến vận tải biển, các hãng vận chuyển và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trực tiếp.
Còn đối với các doanh nghiệp da giày nhận đơn hàng từ phía đối tác theo hình thức FOB, các chi phí vận chuyển tiếp theo sẽ là nhiệm vụ của người đặt hàng, doanh nghiệp chỉ làm đến công đoạn đưa sản phẩm ra bến tàu. Hiện tại doanh nghiệp đã ký đơn hàng từ trước và cho đến hết quý I năm nay. Do vậy, chưa ảnh hưởng ngay đến các doanh nghiệp. Nếu diễn biến căng thẳng sau quý I sẽ ảnh hưởng đến giá các đơn hàng mới.
Tương tự, ông Trương Văn Cẩm – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, về tác động ngay đến các doanh nghiệp trong ngành chưa có, bởi các doanh nghiệp dệt may, cũng như các doanh nghiệp da giày, phần lớn làm hàng FOB. Các doanh nghiệp đang theo dõi tinh hình để có thỏa thuận đơn hàng mới cho các quý tiếp theo. “Về lâu dài nếu diễn biến Biển Đỏ tiếp tục căng thẳng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đơn hàng dệt may mới” – ông Cẩm nói.
Là một doanh nghiệp có quy mô lớn trong ngành may, Tổng Công Ty may 10 có lượng đơn hàng khá ổn định. Ông Bạch Thanh Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ, doanh nghiệp chủ yếu làm hàng FOB, theo đó doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, có trách nhiệm đưa sản phẩm đến bến tàu, còn lại chi phí vận chuyên do phía khách hàng thực hiện. Hơn nữa doanh nghiệp nhận đơn hàng trước đó nên mọi chi phí tăng phía khách hàng bị ảnh hưởng.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết, theo dự kiến, với mỗi container đi qua khu vực châu Âu, chi phí có thể tăng thêm từ 1.000 – 2.000 USD.
Cũng theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, lượng hàng hoá trung bình đi qua kênh đào Suez chiếm khoảng 12% thương mại quốc tế. Những mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều gồm dệt may, da giày, đồ gỗ cho đến các sản phẩm điện tử. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần theo dõi sát các diễn biến trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời.
Ông Trần Thanh Hải cho biết thêm: “Các doanh nghiệp phải luôn theo dõi sát diễn biến trên thế giới tác động như thế nào đến sự dịch chuyển của hàng hoá, tác động như thế nào đến hoạt động logistics đối với các lô hàng xuất khẩu, qua đó có thể có những kịch bản phù hợp cho từng giai đoạn để có các biện pháp ứng phó”.
Với việc tiếp tục chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng Biển Đỏ, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ cần lên các kế hoạch ứng phó để giảm thiểu thiệt hại.
Nhiều ý kiến chuyên gia và đại diện hiệp hội các doanh nghiệp nhận định, bất ổn vận tải biển sẽ trong ngắn hạn bởi hiện nay, các nước lớn đã can thiệp để giải quyết bất ổn, căng thẳng sẽ không quá kéo dài. Chính vì thế doanh nghiệp cũng không nên quá lo lắng.