Chiều 11/3, phiên xét xử bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) tiếp tục với phần xét hỏi của VKS đối với nhóm bị cáo là lãnh đạo SCB, để làm rõ các thủ đoạn “cắt đứt dòng tiền” rút khỏi SCB.
Là người bị thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Trương Khánh Hoàng (38 tuổi, cựu quyền Tổng giám đốc SCB) giữ nguyên lời khai, cho rằng bà Lan “là chủ thực sự và là người điều hành mọi hoạt động của SCB”. “Thời điểm đảm nhiệm chức Phó tổng giám đốc phụ trách phê duyệt tín dụng, bị cáo nhận chỉ đạo trực tiếp từ chị Lan”, Hoàng nói.
Hoàng bị cáo buộc giúp bà Lan rút hàng trăm nghìn tỷ đồng trái luật khỏi SCB, bị truy tố về tội Tham ô tài sản với vai trò đồng phạm của bà Lan. Bị cáo làm việc tại SCB từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2022, với các chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách Khối tái thẩm định; Phó tổng giám đốc Thường trực phụ trách quản lý Khối doanh nghiệp và quyền Tổng giám đốc SCB (từ tháng 5/2021 đến tháng 8/2022).
Qúa trình làm việc, Hoàng tham gia nhiều cuộc họp lãnh đạo cấp Hội sở của SCB theo triệu tập của bà Lan. Trong đó, bà Lan chỉ đạo việc cho vay, số lượng tiền cần giải ngân và thời gian cần giải ngân, tài sản đảm bảo là gì, giải ngân tiền giao cho ai.
Đại diện VKS đề cập đến một biên bản hỏi cung, trong đó Hoàng đã khai “Trương Mỹ Lan có những cách thức chuyển tiền ra nước ngoài”. Bị cáo thừa nhận, cho biết lúc đó với vai trò Phó tổng giám đốc “có phê duyệt một số lệnh chuyển tiền ra nước ngoài theo yêu cầu bên nhóm của chị Lan”. Các lệnh chuyển tiền này là để thanh toán việc mua vốn góp của công ty nước ngoài ở Việt Nam; thanh toán cho các khoản tín dụng khi bà Lan đi nước ngoài.
“Việc chuyển tiền ra nước ngoài bị cáo không được họp bàn, mà chỉ làm theo yêu cầu”, Hoàng khai. “Khi lập hồ sơ, bị cáo sẽ làm việc với nhóm của Nguyễn Phương Anh và bên này sẽ phụ trách thực hiện giải quỹ. Tiền sau khi giải ngân thì việc sử dụng sẽ do bà Lan chỉ đạo”.
Đại diện VKS sau đó công bố lời khai của Hoàng, trong đó thể hiện bị cáo biết bà Lan đầu tư cùng đối tác nước ngoài bằng hình thức đặt cọc. Số tiền đặt cọc này rất lớn, khi chuyển cho đối tác nước ngoài có thông qua Cục Phòng chống rửa tiền. Tiền sau khi chuyển ra nước ngoài sẽ được bà Lan đầu tư dự án, đồng thời bà Lan sẽ hủy phần đặt cọc ở Việt Nam. Nhiều lần như vậy nên số tiền bà Lan chuyển ra nước ngoài là rất lớn.
Hoàng xác nhận lời khai này.
‘Trả nợ các khoản vay công ty nước ngoài’
Về vấn đề này, quá trình điều tra, bà Lan khai có những thời điểm cần tiền sử dụng cá nhân, trả nợ vay, xử lý nợ quá hạn tại SCB, bà phải vay mượn bạn bè và các công ty nước ngoài, ít thì 5 triệu USD, nhiều là 20-30 triệu USD với lãi suất 1-2%. Toàn bộ tiền vay từ nước ngoài đều sử dụng cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Do đó, theo bà Lan, toàn bộ số tiền bà chuyển ra nước ngoài là để “trả nợ các khoản vay chứ không đầu tư”. Thậm chí bà còn thế chấp nhà “do chồng mua tại Hong Kong” để vay tiền tại các ngân hàng Hong Kong. Mọi tài sản, dự án của bà đều tại Việt Nam. Việc trả tiền cho phía nước ngoài đều được thực hiện qua SCB chứ không qua ngân hàng nào khác và việc chuyển tiền ra nước ngoài đều phải báo cáo Cục Phòng chống rửa tiền.
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc sử dụng SCB để huy động vốn, sau đó chỉ đạo người tại ngân hàng và Vạn Thịnh Phát lập hồ sơ hợp thức hóa như một khoản vay để rút tiền. VKS xác định số tiền bà Lan chiếm đoạt của SCB đặc biệt lớn, lên đến 304.096 tỷ đồng. Đây là tiền người dân, khách hàng gửi. Hiện, ngân hàng không thể chi trả và còn phát sinh lãi hơn 129.372 tỷ đồng. Như vậy, bà Lan đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 498.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn một của vụ án, nhà chức trách chưa nêu về đích đến cuối cùng của các khoản tiền khổng lồ bà Lan đã rút khỏi SCB. Tuy nhiên, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tách hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền liên quan đến 22 bị can và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng đối với hai bị can người nước ngoài là cựu thành viên HĐQT SCB, tiếp tục điều tra xử lý ở giai đoạn hai.
Tại phiên xét xử chiều 7/3, bà Trương Mỹ Lan và chồng Chu Lập Cơ đã nhờ luật sư viết đơn kiến nghị gửi HĐXX, trình bày hiện còn nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nợ tiền. Các bị cáo có nguyện vọng để con gái Chu Duyệt Phấn đại diện gia đình đi thu hồi số tiền này để dùng khắc phục hậu quả của vụ án.
Thay mặt HĐXX, chủ tọa thông báo đây là phiên tòa công khai, nên công bố đầy đủ nội dung đơn đề nghị của vợ chồng bà Lan cho mọi người và các phương tiện thông tin đại chúng được biết về ý kiến, nguyện vọng của họ, và đề nghị gia đình bị cáo, những người có liên quan thực hiện.
Ngày 12/3, phiên tòa tiếp tục với phần hỏi của các luật sư.