Trong dự báo mới nhất của Citi, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5-6% năm nay, lạm phát trung bình là 3,5-4%. Như vậy, ở kịch bản tốt nhất, tăng trưởng GDP sẽ tương đương với mức Quốc hội giao.
“Chúng tôi cho rằng những cú sốc lớn nhất trong năm 2023 với nền kinh tế Việt Nam dường như đã ở phía sau. Nền kinh tế đã sẵn sàng cho sự phục hồi trong năm nay”, ông Ramachandran A.S. (RamC), Tổng giám đốc Citi Việt Nam nói.
Phân tích kỹ hơn, ông Helmi Arman, chuyên gia kinh tế của Citi Việt Nam, cho biết, quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng hiện nay có thể hỗ trợ xuất khẩu, sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong 2024. Theo đó, xuất khẩu được kỳ vọng có thể phục hồi sau khi giảm khoảng 5% năm ngoái.
“Nhu cầu từ bên ngoài có thể tiếp tục yếu vì GDP toàn cầu tăng trưởng chậm, tuy nhiên, Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng, từ đó mở rộng năng lực thâm nhập của các ngành xuất khẩu”, đại diện Citi cho biết.
Về sản xuất công nghiệp, Citi cho biết, cơ bản là ổn định với các ngành được ngân hàng này phân loại là “định hướng xuất khẩu” như dệt may, da giày, điện tử đóng vai trò dẫn dắt so với các ngành “định hướng nội địa” như vật liệu cơ bản, ôtô.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào lĩnh vực sản xuất vẫn mạnh mẽ trong năm 2023 cho dù tăng trưởng có chậm lại. Điều này khiến Citi tin rằng dòng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất tiếp tục dồi dào trong năm 2024 và câu chuyện Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất mới của thế giới vẫn nguyên vẹn.
Nhìn về phía trước, Citi kỳ vọng những áp lực chi phí trong công nghiệp hàng năm sẽ bình thường lại, đồng thời chuyển biến tích cực trong 2024. Về lương thực, nhu cầu gạo từ các nền kinh tế láng giềng tăng cao vẫn có thể tác động đến giá cả trong nước, nhưng sản xuất lúa gạo của Việt Nam từ lâu đã chứng tỏ năng lực phục hồi tốt trước El-Nino.
Với bất động sản, Citibank nói, dù đã ổn định vào nửa cuối năm 2023, vẫn khó hồi phục theo đồ thị hình chữ V. Sau khi sụt giảm vào đầu năm ngoái, giao dịch bất động sản bắt đầu tăng lên nửa cuối năm nhờ các đợt cắt giảm lãi suất và thực hiện tái cơ cấu nợ theo những quy định mới. Citi tin rằng mảng nhà ở xã hội có tiềm năng phục hồi do tốc độ đô thị hóa của Việt Nam vẫn còn thấp và dòng vốn FDI vẫn mạnh.
Citi cũng nhận thấy nhu cầu tín dụng đang dần hồi phục cùng với triển vọng tăng trưởng GDP và bình thường hóa chi phí sản xuất, điều này làm tăng tự nhiên nhu cầu tín dụng vốn lưu động. Thặng dư thương mại của Việt Nam có thể sẽ thu hẹp vào năm 2024 khi nhu cầu trong nước phục hồi. Do đó, Citi dự báo thặng dư tài khoản vãng lai sẽ giảm từ mức ước tính 6% GDP trong năm 2023 xuống mức khả dĩ 4%.
Tuy nhiên, ông RamC cũng lưu ý, để tạo điều kiện tăng trưởng cao hơn, nhu cầu cấp thiết của Việt Nam là phải có nguồn vốn quốc tế lớn hơn để tài trợ cho các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng, cũng như tài chính cho phát triển xanh. “Việt Nam cần hơn 135 tỷ USD trong 7 năm tới chỉ riêng cho sản xuất và truyền tải điện. Nguồn vốn quốc tế là cấp thiết để đạt được mục tiêu này”, ông nói thêm.
“Triển vọng trung, dài hạn của Việt Nam rất mạnh mẽ. Mỗi quốc gia có vận mệnh của mình và luôn có những cánh cửa cơ hội đặc biệt đôi khi mở ra. Việt Nam hiện đang trải qua điều này” ông RamC nói.