Thị trường tài chính toàn cầu đang chứng kiến một thay đổi lớn khi các nhà đầu tư rút hàng tỷ USD khỏi nền kinh tế Trung Quốc. Hai thập kỷ trước, nhà đầu tư vẫn đặt cược vào câu chuyện tăng trưởng của quốc gia tỷ dân này.

Phần lớn số tiền đó hiện đang hướng đến Ấn Độ. Những gã khổng lồ Phố Wall như Goldman Sachs và Morgan Stanley đang coi quốc gia Nam Á là điểm đến đầu tư hàng đầu trong thập kỷ tới.

Theo Bloomberg, các nhà đầu tư đang chú ý đến quỹ đạo tương phản của hai nền kinh tế lớn bậc nhất châu Á.

Ấn Độ đã mở rộng đáng kể hệ thống cơ sở hạ tầng dưới thời Thủ tướng Narendra Modi nhằm thu hút vốn đầu tư và chuỗi cung ứng quốc tế. Trong khi đó, Trung Quốc đang phải vật lộn với nhiều vấn đề kinh tế và mối quan hệ rạn nứt với phương Tây.

Ông Vikas Pershad, nhà quản lý danh mục đầu tư cổ phiếu châu Á tại quỹ M&G Investments, cho hay: “Mọi người quan tâm đến Ấn Độ vì nhiều lý do… Ấn Độ có tiềm năng tăng trưởng dài hạn thực sự”.

Lịch sử cho thấy tăng trưởng kinh tế và giá trị thị trường chứng khoán Ấn Độ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nếu GDP tiếp tục tăng trưởng 7% mỗi năm, chí ít quy mô thị trường có thể mở rộng ở cùng tốc độ.

Trong hai thập kỷ qua, GDP và vốn hoá thị trường chứng khoán quả thực đã tăng song song với nhau, từ 500 tỷ USD lên khoảng 3.500 tỷ USD.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: Bloomberg).

Theo dấu dòng tiền

Gần đây, quỹ phòng hộ quy mô 62 tỷ USD Marshall Wace tuyên bố Ấn Độ là thị trường lớn thứ hai mà họ mua ròng sau Mỹ. Một chi nhánh của Vontobel Holding chọn Ấn Độ làm khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục thị trường mới nổi.

Ngay cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ vốn khá bảo thủ của Nhật Bản cũng đang tìm cơ hội ở Ấn Độ và giảm bớt mức độ tiếp xúc với thị trường Trung Quốc.

Theo Bloomberg, 5 trong số các quỹ tương hộ tập trung vào thị trường Ấn Độ đang nằm trong danh sách 20 quỹ ghi nhận dòng vốn vào lớn nhất. Nomura Indian Stock Fund là quỹ có tổng tài sản lớn nhất, ở mức đỉnh 4 năm.

Dòng vốn ồ ạt chảy vào Ấn Độ cho thấy sự quan tâm nồng nhiệt của nhà đầu tư. Hồi giữa tháng 1, Ấn Độ có thời điểm đã vượt qua Hong Kong để trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ 4 thế giới.

 

Đối với một số nhà đầu tư, quốc gia Nam Á này sẽ tiếp tục thăng hoa. Morgan Stanley dự đoán Ấn Độ sẽ trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ ba hành tinh vào năm 2030.

Tỷ trọng của Ấn Độ trong chỉ số MSCI dành cho các thị trường đang phát triển đang ở mức cao nhất là 18%, trong khi tỷ trọng của Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục là 24,8%.

Ông Mark Matthews, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại ngân hàng Julius Baer, đánh giá: “Trong tương lai, tỷ trọng của Ấn Độ trong chỉ số sẽ lên cao hơn, còn Trung Quốc sẽ xuống thấp hơn”.

Các quỹ phòng hộ như Marshall Wace cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và nền chính trị tương đối ổn định là lý do nhà đầu tư vẫn lạc quan về tiềm năng của thị trường Ấn Độ, dù định giá đang khá đắt.

Ấn Độ hiện chiếm hơn 7% sản lượng iPhone toàn cầu. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

Chộp lấy cơ hội

Bloomberg cho rằng Ấn Độ đã tận dụng cơ hội từ những thay đổi trên thế giới trong thời gian qua.  

Nếu Trung Quốc bị phương Tây coi là một rủi ro, Ấn Độ lại được coi là một lựa chọn tiềm năng. Quốc gia đông dân nhất thế giới đang tự trang bị nhiều nguồn lực nhằm khẳng định mình là một trung tâm sản xuất thay thế cho Trung Quốc.

Các nước phương Tây như Mỹ nhận thấy họ cần phải xây dựng mối quan hệ kinh doanh bền chặt với Ấn Độ, dù họ từng chỉ trích chính sách thuế của New Delhi. Ấn Độ hiện chiếm hơn 7% sản lượng iPhone toàn cầu và đang rót hàng nghìn tỷ rupee vào nâng cao hạ tầng.

Thủ tướng Modi có kế hoạch biến Ấn Độ thành động lực tăng trưởng mới của thế giới. Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết trong năm tài khoá tới, chính phủ sẽ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng thêm 11% lên 11,1 nghìn tỷ rupee (tương đương 134 tỷ USD).

Jitania Kandhari, Phó Giám đốc đầu tư phụ trách mảng giải pháp và đa tài sản tại Morgan Stanley Investment Management, cho hay: “Chu kỳ đầu tư đang bắt đầu tăng tốc với các sáng kiến về cơ sở hạ tầng và chi tiêu công”.

Ấn Độ cũng đang xây dựng một hệ sinh thái công nghệ rộng lớn nhằm thu hút thêm nhà đầu tư vào thị trường kỹ thuật số. Google Pay của Alphabet có kế hoạch hợp tác với mạng lưới thanh toán di động của Ấn Độ để mở rộng dịch vụ ra bên ngoài nước này.

 

Vẫn còn trở ngại

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn còn phải đối mặt với một số trở ngại. Tâm lý hưng phấn của các nhà đầu tư đã khiến Ấn Độ trở thành một trong những thị trường chứng khoán đắt đỏ nhất thế giới.

Chỉ số S&P BSE Sensex đã tăng gần ba lần so với mức thấp vào tháng 3/2020, trong khi thu nhập chỉ tăng gấp đôi. Chỉ số này đang giao dịch gấp 20 lần thu nhập dự phóng, đắt hơn 27% so với mức trung bình giai đoạn 2010 – 2020.

Định giá cao và những nỗ lực gần đây của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán nội địa đã khiến một số nhà đầu tư cân nhắc thay đổi chiến lược.

Theo dữ liệu mới nhất do Bloomberg tổng hợp, các quỹ toàn cầu đã bán ra hơn 3,1 tỷ USD cổ phiếu Ấn Độ trong tháng 1, nhiều nhất trong khoảng một năm qua.

Ông Mark Williams, nhà quản lý quỹ tại Somerset Capital Management, nhận định có nguy cơ “chứng khoán Ấn Độ có thể đi ngang trong vài năm”.

Các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho một đợt điều chỉnh sau khi thị trường Ấn Độ tăng 8 năm liên tiếp.

Thủ tướng Modi dự kiến sẽ giành được nhiệm kỳ thứ ba trong cuộc bầu cử năm nay, đặc biệt là sau khi đảng của ông giành chiến thắng áp đảo trong các cuộc thăm dò gần đây. Song, nếu đảng cầm quyền yếu đi, thị trường có thể biến động trong thời gian ngắn.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0876 242 242