VN-Index khởi đầu tuần mới với phiên giảm hơn 15 điểm, tiến gần mốc 1.200. Vùng hỗ trợ này cũng đã giúp đà giảm của VN-Index chững lại trong 3 phiên tiếp theo. Tuy nhiên trong phiên cuối tuần, áp lực bán tiếp tục dâng cao khi nhà đầu tư lo ngại về các thông tin như Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu hút 10.000 tỷ đồng và thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh phiên 21/9.
VN-Index đã giảm mạnh trong phiên 22/9, để mất mốc 1.200 và có lúc chạm vùng thấp nhất tại 1.175 trước khi hồi phục để chốt tuần tại 1.193,05 điểm. Như vậy, tính chung cả tuần chỉ số chính sàn HOSE giảm 34,31 điểm, tương đương giảm 2,8% so với cuối tuần trước.
Trong tuần giảm điểm, các cổ phiếu trụ hầu hết trở thành nhóm ảnh hưởng tiêu cực cho chỉ số, điển hình như bộ đôi VIC, VHM khiến VN-Index mất gần 6 điểm. Trong khi đó, DGC, VHC và STB là 3 cổ phiếu vươn lên dẫn đầu danh sách ảnh hưởng tích cực đến VN-Index, dù mức ảnh hưởng không quá đáng kể, lần lượt đóng góp 0,7 điểm, 0,3 điểm và 0,2 điểm cho VN-Index.
Trong tuần VN-Index giảm điểm, giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đè nặng lên thị trường với việc tiếp tục bán ròng, dù vậy quy mô rút ròng đã giảm so với tuần trước đó.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HOSE
Trong tuần 18 – 22/9, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng cả 5 phiên liên tiếp với giá trị 1.640 tỷ đồng trên HOSE. Trong đó, HPG, VIC và MWG là 3 cổ phiếu dẫn đầu nhóm bán ròng với giá trị lần lượt 578 tỷ đồng, 311 tỷ đồng và 142 tỷ đồng.
Chiều mua ròng, KBC dẫn đầu với giá trị 99 tỷ đồng. Liên quan đến hoạt động kinh doanh, thông tin từ hội thảo “Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam” do GS & SSI tổ chức, SSI Research cho biết, nhà đầu tư chủ yếu lo ngại về tiến độ pháp lý tại khu công nghiệp Tràng Duệ 3 ở TP Hải Phòng và giải phóng mặt bằng tại khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh ở Bắc Ninh của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP khi diện tích đất sẵn có tại các khu công nghiệp đang hoạt động sẽ sớm được lấp đầy.
Tuy nhiên, đơn vị này cho biết, ban lãnh đạo Kinh Bắc khá lạc quan về quyết định phê duyệt cuối cùng (phê duyệt chủ chương đầu tư) đối với khu công nghiệp Tràng Duệ 3 sẽ được cấp vào cuối tháng 9. Theo đó, công ty dự kiến có thể bắt đầu cho thuê đất tại dự án này vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
Đứng thứ hai trong danh mục được giải ngân là PDR với 82,5 tỷ đồng. Top cổ phiếu mua ròng tuần này của khối ngoại còn có sự góp mặt của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như DXG (82,5 tỷ đồng), MBB (76,3 tỷ đồng), VNM (72 tỷ đồng), DGC (67,1 tỷ đồng), VCG (67,1 tỷ đồng), OCB (63,7 tỷ đồng), FPT (49,9 tỷ đồng) và TCB (48,7 tỷ đồng).
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HNX
Trên sàn HNX, khối ngoại chuyển hướng bán ròng nhẹ hơn 5 tỷ đồng.
Ở chiều mua, nhóm này rót ròng hơn 23,7 tỷ đồng gom cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO – Công ty Cổ phần. Bên cạnh đó, danh mục rót ròng có sự góp mặt của PVS (10,1 tỷ đồng), TNG (5,1 tỷ đồng), BVS (4,2 tỷ đồng) và CEO (3,5 tỷ đồng), …
Chiều ngược lại, khối ngoại tập trung bán ròng 38,5 tỷ đồng ở cổ phiếu SHS, theo sau là 13,6 tỷ đồng mã DTD, cùng với đó là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu như NVB, PSD, VIG, … với giá trị thấp hơn.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên thị trường UPCoM
Trên thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng trở lại với quy mô gần 45 tỷ đồng.
Tại chiều mua, cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời dẫn đầu với quy mô hơn 11,7 tỷ đồng. Kế tiếp NĐT nước ngoài cũng gom ròng 3,3 tỷ đồng mã BSR và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như GHC (2,2 tỷ đồng), MCH (1,8 tỷ đồng), PAT (1,7 tỷ đồng), …
Tại chiều bán, nhóm nhà đầu tư ngoại tiếp tục bán ròng mạnh nhất hơn 19,5 tỷ đồng ở cổ phiếu VTP của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post). Theo sau là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu OIL (16,4 tỷ đồng), QNS (12,7 tỷ đồng), MPC (12,2 tỷ đồng), ACV (6,3 tỷ đồng), …