Đặng Trang, chuyên kinh doanh thực phẩm khô tại Hà Nội, đã phải liên tục từ chối đơn hàng của khách mới trong những ngày cận Tết. Trang cho biết việc này là để đảm bảo những đơn hàng đã nhận sẽ được giao đến tay khách hàng trước kỳ nghỉ Tết.

“Bây giờ mình không nhận đơn nữa. Mình sẽ chỉ xử lý nốt các đơn đã nhận. Mọi người cần gấp, mình xin phép từ chối. Làm xong các đơn hiện tại mình sẽ đi tiếp các đơn cho khách trong nội thành Hà Nội”, Trang thông báo trên Facebook cá nhân.

Theo Trang, bưu cục gần nhà đã dừng nhận hàng từ khách vãng lai, chủ shop mang ra cũng sẽ bị từ chối. 

 Mua sắm online tăng đột biến trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán. (Ảnh: Đức Huy).

Các đơn vị giao nhận quá tải dịp cận Tết là câu chuyện thường được nhắc lại mỗi cuối năm. Tuy nhiên năm nay vấn đề này càng trở nên gay gắt hơn khi tỷ lệ người mua hàng online bùng nổ.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết tổng doanh thu toàn thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 tăng 25% so với năm 2022. 5 sàn chiếm thị phần lớn trong thương mại điện tử tại Việt Nam gồm Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop và Sendo đạt tổng doanh thu hơn 232.000 tỷ đồng.

Đặc biệt trong mùa mua sắm cuối năm thì nhu cầu tiêu dùng online lại càng tăng đột biến. Trang Phạm, một nhân viên xuất nhập khẩu tại Hà Nội, nói rằng thói quen sắm Tết năm nay của cô đã có sự thay đổi. 

Thay vì ra trực tiếp siêu thị, Trang chọn cách ngồi nhà và mua hàng qua mạng. Theo Trang, việc mua sắm online đảm bảo cô có thể mua được chính xác món hàng mình cần mà không phải mất nhiều thời gian tìm kiếm, chen chúc trong các quầy kệ siêu thị. 

“Giá online cũng rẻ hơn nhiều so với mua hàng trực tiếp. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế và thu nhập giảm như năm nay. Sau khi áp mã hay voucher thì cũng sẽ tiết kiệm được một khoản cho gia đình”, bà mẹ hai con này chia sẻ.

Báo cáo mới đây của Grab về hành vi người tiêu dùng cũng chỉ ra 90% khách hàng được khảo sát tại Việt Nam cho biết có thói quen tìm kiếm, khám phá các sản phẩm mới qua gian hàng online thay vì trải nghiệm trực tiếp.

 Nhiều người chọn sắm Tết online thay vì chen chân mua sắm tại các siêu thị. (Ảnh: Đức Huy).

Việc thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, đặc biệt trong dịp cận Tết, đã tạo áp lực không nhỏ lên các hệ thống giao vận. Nhiều đơn vị cho biết phải hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu mua sắm khổng lồ của người dân.

Tuần qua, Giao hàng tiết kiệm – một trong những đơn vị logistics lớn tại Việt Nam, đã đột ngột thông báo dừng nhận đơn hàng. Điều này khiến hàng nghìn đơn hàng của người bán bị dồn ứ trong các kho của Giao hàng tiết kiệm.

Đơn vị này thừa nhận đã bị quá tải trong đợt cao điểm cuối năm. “Trong hai tuần giáp tết gần đây, lượng hàng từ các sàn thương mại điện tử đưa vào mạng lưới tăng cao đột biến, gây ảnh hưởng đến chất lượng vận hành. Vì vậy, chúng tôi buộc phải tạm ngừng nhận đơn ở một số khu vực cục bộ nhằm đảm bảo chất lượng vận hành”, phía Giao hàng tiết kiệm cho hay.

Tình trạng cung không đủ cầu trong ngành logistics xảy ra khi quy mô thương mại điện tử Việt Nam hiện chỉ trên 20 tỷ USD. Trong khi theo báo cáo từ Google dự đoán, con số này có thể lên tới 57 tỷ USD vào năm 2025. Rõ ràng, với quy mô lớn như vậy, đòi hỏi các đơn vị giao nhận phải chuẩn bị tốt mới có thể đón sóng thị trường.

Trong thời gian qua, ngoài cuộc chiến giá, thị trường thương mại điện tử đã chứng kiến các nền tảng cạnh tranh gay gắt trong mảng giao vận để đảm bảo tốc độ giao hàng nhanh cũng như trải nghiệm mua sắm để giữ chân người dùng.

Tháng 10 năm ngoái, Giao Hàng Nhanh đã khánh thành và đưa vào hoạt động kho trung chuyển Xuyên Á với diện tích hơn 40.000 m2, tổng công suất xử lý lên tới gần 6 triệu đơn hàng. Doanh nghiệp cho biết đây hiện là kho phân loại tự động lớn và hiện đại bậc nhất khu vực phía Nam của Giao Hàng Nhanh.

 Xe hàng của một đơn vị giao vận. (Ảnh: Đức Huy).

Cùng năm, Lazada Logistics – một đơn vị của Lazada Việt Nam, đã khánh thành Lazada Logistics Park với tâm điểm là trung tâm phân loại hàng hóa công nghệ cao có quy mô hiện đại nhất, tại Khu công nghiệp Sóng Thần 1, Bình Dương. 

Với tổng diện tích lên tới gần 20.000m2, Trung tâm phân loại mới có khả năng xử lý tới 1 triệu bưu kiện mỗi ngày và mức độ tự động hóa lên đến 99% nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và machine learning (học máy), giúp tối ưu hiệu suất và nguồn lực vận hành.

Ngoài trung tâm này, tại Việt Nam, Lazada Logistics sở hữu tổng cộng 150.000 m2 diện tích hệ thống phân loại, kho bãi. Theo đó là mạng lưới bưu cục dày đặc để xử lý hành trình đơn hàng nhanh nhất.

Hay như tháng 9/2023, Shopee Express (SPX) – đơn vị cung cấp dịch vụ giao hàng của Shopee, đã khánh thành tung tâm phân loại hàng hóa tự động (sorting center) tại khu công nghiệp VSIP, Bắc Ninh với tổng diện tích lên đến 100.000 m2. 

Đây là trung tâm phân loại lớn và hiện đại nhất của SPX trong khu vực Đông Nam Á. Trung tâm phân loại mới này hầu hết đều tự động hóa, có thể xử lý đến 2,5 triệu bưu kiện mỗi ngày sau giai đoạn một, dự kiến sẽ đạt 5 triệu bưu kiện mỗi ngày ở giai đoạn hai. Khả năng phân loại của trung tâm này đạt độ chính xác lên đến 99,97% nhờ hệ thống phân loại hàng hóa tự động.

Gần đây nhất, ngày 17/1, Viettel Post khai trương tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh nằm trong kho hàng diện tích 32.000 m2 tại Hà Nội. Công ty cho biết sử dụng 200 robot tự hành cùng hệ thống băng tải có tính năng chia chọn, phân loại hàng hóa, ước tính giúp giảm 60% chi phí nhân sự trong kho hàng.

Có thể thấy, mặc dù được đầu tư rất nhiều nhưng mùa cao điểm Tết năm nay các đơn vị giao vận vẫn tỏ ra loay hoay. Rõ ràng, trong thời gian tới các doanh nghiệp này vẫn còn phải làm nhiều việc hơn nữa để cải thiện tình hình. 

Mặt khác, báo cáo về thương mại điện tử năm 2023 do VCCI công bố cho thấy chi phí logistics tại Việt Nam vẫn đang mức cao, chiếm 10 – 20% giá sản phẩm. Con số này ở các nước phát triển chỉ từ 7 tới 9%. 

Do đó, Cushman & Wakefield nhận định tiềm năng logistics tại Việt Nam là rất lớn, hoàn toàn có thể trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho các nhà đầu tư. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0876 242 242