Nhu cầu nhà ở giảm sút

Báo cáo mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về nền kinh tế Trung Quốc cho thấy nhu cầu nhà mới tại nước này sẽ giảm đáng kể trong tương lai.

Cụ thể, IMF cho biết nhu cầu sẽ sụt từ 35% đến 55% trong thập kỷ tới do số hộ gia đình mới ở thành thị giảm và thị trường đang có lượng lớn bất động sản chưa hoàn thiện hoặc bỏ trống.

Nhu cầu nhà ở chậm lại sẽ khiến việc hấp thụ lượng tồn kho dư thừa trở nên khó khăn hơn, “kéo dài quá trình điều chỉnh [trên thị trường nhà đất] trong trung hạn và gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế”.

Lĩnh vực bất động sản và các ngành liên quan đang chiếm khoảng 25% GDP của Trung Quốc. Thị trường rơi vào khủng hoảng kể từ năm 2020, sau khi Bắc Kinh bắt đầu hạn chế thói quen vay nợ để thúc đẩy tăng trưởng của nhiều nhà phát triển.

Ba năm qua, nhiều doanh nghiệp đã vỡ nợ trái phiếu quốc tế hoặc gặp khó khăn về tài chính. Tuần này, một toà án Hong Kong đã yêu cầu tập đoàn địa ốc nặng nợ nhất thế giới Evergrande phải thanh lý tài sản để trả khối nợ hơn 300 tỷ USD.

Chia sẻ với các phóng viên hôm 2/2, bà Sonali Jain-Chandra, người đứng đầu phái đoàn của IMF tại Trung Quốc, châu Á và Thái Bình Dương, bày tỏ: “Chính quyền trung ương nên tăng cường hỗ trợ tài chính để các nhà phát triển hoàn thành những ngôi nhà đã bán trước nhưng chưa hoàn thiện”.

Ông Zhang Zhengxin, đại diện Trung Quốc tại IMF, cho rằng dự báo nêu trên “phóng đại nguy cơ suy thoái của thị trường”. Vị đại diện nhấn mạnh nhu cầu nhà ở của Trung Quốc vẫn rất lớn và chính phủ sẽ sớm triển khai chính sách hỗ trợ.

“Vì vậy, nhu cầu nhà ở khó có thể sụt giảm mạnh. Khung thời gian trong phép so sánh cũng còn gây tranh cãi”, ông Zhang nói thêm.

Theo CNBC, báo cáo của IMF so sánh nhu cầu nhà ở và số nhà xây mới trong giai đoạn 2012 – 2021 với ước tính cho giai đoạn 2024 – 2033.

 

Chính sách tài khoá “chủ động”

Cũng trong báo cáo mới, IMF cho biết giới chức Trung Quốc coi các chính sách tài khoá vào năm ngoái là “chủ động” và sẽ duy trì lập trường như vậy trong năm 2024.

“Các nhà chức trách đang xây dựng một gói chính sách nhằm ngăn chặn và giải quyết rủi ro nợ nần [của các chính quyền địa phương]”, báo cáo có đoạn.

Khi truyền thông đặt câu hỏi, bà Jain-Chandra cho biết IMF không có thông tin chi tiết về quy mô dự kiến của các biện pháp hỗ trợ tài khoá sắp tới.

Tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tuyên bố sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại khoảng 50 điểm cơ bản kể từ ngày 5/2. Đây là đợt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lớn nhất của PBoC kể từ năm 2021.

Ông Nir Klein – phó trưởng phái đoàn của IMF tại Trung Quốc, châu Á và Thái Bình Dương – nhận xét động thái vừa qua của PBoC là một bước đi đúng hướng. Song, vị chuyên gia tin rằng ngân hàng trung ương này nên nới lỏng tiền tệ hơn nữa.

“Cùng lúc, chúng tôi cho rằng Trung Quốc cần thực hiện một số cải cách liên quan đến chính sách tiền tệ”, ông Klein gợi ý.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng 5,2% trong năm 2023, theo số liệu mà Bắc Kinh công bố vào tháng trước.

Tốc độ tăng trưởng GDP chính thức thấp hơn dự đoán 5,4% mà IMF đưa ra vào tháng 12. Bà Jain-Chandra nhận định “tiêu dùng yếu hơn dự kiến trong quý IV” là yếu tố đè nặng lên nền kinh tế tỷ dân.

IMF dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm tốc còn 4,6% trong năm 2024.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0876 242 242