Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết, trong tháng 1/2024, thành phố thu hút 866,8 triệu USD vốn FDI; trong đó có 10 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 859,4 triệu USD; có 6 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 5,1 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 7 lượt, đạt 2,3 triệu USD.
Về tình hình doanh nghiệp tháng đầu năm 2024, thành phố có 2.529 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước, với số vốn đăng ký mới đạt 35,4 nghìn tỷ đồng, gấp 2,4 lần; 3.660 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 50%; 12,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 56%; thực hiện thủ tục giải thể cho 457 doanh nghiệp, tăng 52%; 394 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 32%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Về thương mại và dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 gần sát dịp Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu dùng của người dân tiếp tục xu hướng tăng so với những tháng cuối năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 ước tính đạt 68,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố về việc đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đến nay thành phố đã phê duyệt 32 đơn vị tham gia chương trình và cung ứng các mặt hàng tới 14,5 nghìn điểm bán; trong đó có trên 8 nghìn cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; 900 sạp hàng tại các chợ truyền thống và 500 bếp ăn tập thể. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa với tổng giá trị ước tính đạt 40,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Nguyên đán Quý Mão.
Thành phố chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn với 292 nghìn tấn gạo; 58,5 nghìn tấn thịt lợn; 19,5 nghìn tấn thịt gà; 16,2 nghìn tấn thịt bò; 390 triệu quả trứng gia cầm; 325,5 nghìn tấn rau; 16,2 nghìn tấn thủy sản; 157 nghìn tấn trái cây…
Thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chú ý theo dõi sát diễn biến thị trường, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ người dân, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm hàng hóa; xử lý nghiêm tình trạng găm giữ hàng để đẩy giá lên cao.
Thành phố tổ chức các hoạt động bán hàng phục vụ Tết tại 29 trung tâm thương mại; 137 siêu thị; 453 chợ và 2.000 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa tại các quận, huyện, thị xã; 159 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn; 926 chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 43 tỉnh, thành phố; tổ chức 83 điểm chợ hoa Xuân như: Hội chợ, hội hoa, chợ Tết, phiên chợ Tết… và hoạt động vui chơi, giải trí khác để phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân.
Thành phố cũng cấp phép cho trên 190 xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu để đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết; tổ chức triển khai hơn 40 sự kiện nhằm kích cầu tiêu dùng; duy trì 100 điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh; tiếp nhận hơn 2,9 nghìn chương trình khuyến mại của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; hơn 1.300 địa điểm kinh doanh xăng dầu mở cửa bán hàng phục vụ người dân trong những ngày nghỉ Tết.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong năm nay, thành phố tiếp tục cải cách hành chính, đổi mới cơ chế chính sách theo hướng thuận tiện, hấp dẫn và thông thoáng về mặt thủ tục để chào đón nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thành phố sẽ chủ động tổ chức nhiều cuộc xúc tiến thương mại trong nước, quốc tế để tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng, cũng như có thêm doanh nghiệp vào địa bàn.
Bên cạnh đó, thành phố xây dựng, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề phục vụ tiêu dùng nội địa và khách du lịch.