Theo Phone Arena, để lắp ráp các phiên bản iPhone khác nhau, Apple dựa vào 4 nhà sản xuất theo hợp đồng. Trong đó, công ty có mối quan hệ lâu năm với Apple là Foxconn có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc).

Theo Visual Capitalist, dẫn số liệu từ TrendForce, Foxconn chịu trách nhiệm sản xuất 70% mẫu iPhone 15. 25% iPhone 15 được lắp ráp bởi Luxshare, một nhà sản xuất theo hợp đồng có trụ sở tại Trung Quốc. 5% còn lại được sản xuất bởi Tata của Ấn Độ.

Đối với iPhone 15 Plus, Luxshare chiếm 60% sản lượng lắp ráp. Pegatron của Đài Loan đã sản xuất 35% các mẫu iPhone 15 Plus vào năm ngoái. 5% còn lại được lắp ráp bởi Tata.

 Công nhân Foxconn đang làm việc trong nhà máy. (Ảnh: Phone Arena).

Đối với dòng iPhone 15 Pro cao cấp, model này chỉ được sản xuất bởi hai đơn vị gia công theo hợp đồng. Foxconn và Pegatron lần lượt sản xuất 70% và 30% mẫu iPhone 15 Pro. Còn đối với iPhone 15 Pro Max, Foxconn chịu trách nhiệm lắp ráp 70% các thiết bị cao cấp nhất, trong khi Luxshare sản xuất 30% còn lại.

Luxshare là nhà sản xuất theo hợp đồng duy nhất có trụ sở chính ở Trung Quốc đại lục tham gia lắp ráp iPhone. Nhưng có thể thấy rằng Apple tin tưởng Foxconn hơn vì để họ lắp ráp 70% lượng máy dòng iPhone 15 Pro. 

Trong khi đó với Tata của Ấn Độ, đây là tập đoàn lớn nhất nước này, gồm các công ty con như Tata Motors, Tata Steel và Air India. 

Bốn nhà sản xuất theo hợp đồng nhận linh kiện từ hơn 200 nhà cung cấp và phải lắp ráp tất cả chúng lại với nhau để tạo ra một trong bốn phiên bản iPhone 15.

Theo báo cáo, Apple đang tìm cách chuyển dây chuyền lắp ráp iPhone ra khỏi Trung Quốc để tránh các vấn đề chính trị và chiến tranh thương mại. Gã khổng lồ công nghệ muốn mở rộng sản xuất điện thoại ở Ấn Độ và các quốc gia khác được coi là những địa điểm tiềm năng cho các cơ sở sản xuất iPhone bao gồm Việt Nam và Mexico. 

Theo Phone Arena, bất kỳ quốc gia nào được Apple lựa chọn để xây nhà máy cũng phải gần chuỗi cung ứng để cung cấp các linh kiện với chất lượng và số lượng theo yêu cầu của hãng.

Việt Nam được các nhà sản xuất theo hợp đồng của Apple đánh là thị trường đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để xây nhà máy. Đầu năm nay, nhà cung cấp Goertek của Apple cho biết sẽ đầu tư 280 triệu USD thành lập một công ty con và xây nhà máy tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu “mở rộng kinh doanh và hoạt động lâu dài”.

Tháng 9/2023, ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) thông tin rằng Apple đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. 

Cuối năm ngoái, tờ Nikkei Asia đưa tin Apple đã phân bổ nguồn lực phát triển (NPI – quy trình giới thiệu sản phẩm mới) iPad cho Việt Nam.

NPI là quy trình một công ty công nghệ như Apple cộng tác với các nhà cung cấp để nghiên cứu các bản thiết kế và đưa ra phiên bản cuối cùng. Chuyên gia đánh giá đây là một bước quan trọng nhằm củng cố vị thế Việt Nam như một trung tâm sản xuất thay thế bên ngoài Trung Quốc.

Theo danh sách đối tác cung ứng được công bố trước đó, Apple hiện có 25 đối tác đặt nhà máy tại Việt Nam. Trong đó có những cái tên quen thuộc như Foxconn, Luxshare.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0876 242 242