Tại hội nghị xúc tiến xuất khẩu gạo sáng ngày 29/2, ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia cho biết trong vài ngày gần đây, giá gạo tại thị trường Indonesia đang gia tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng.

Tính tới tháng 2, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt so với nhu cầu. Hiện tượng gạo khan khiếm tại các siêu thị đã xuất hiện. Bộ trưởng Thương mại Indonesia đã phải đề nghị người dân chuyển sang mua gạo bình ổn giá của chính phủ để tránh việc giá gạo tăng quá cao trên thị trường tự do.

Giá bán gạo lẻ tại thị trường đối với gạo phẩm cấp cao lên tới 1,16 USD/kg so với mức giá trần chính phủ ấn định là 0,9 USD/kg. 

Ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia phát biểu qua hình thức trực tuyến (Ảnh: H.Mĩ)

Ông Cường cho biết tại Indonesia, gạo là mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý giá, nhằm kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội. Nhà nước ấn định giá bán lẻ cao nhất.

Khi nhà nước can thiệp bình ổn giá gạo thị trường, gạo do nhà nước cung cấp luôn có giá thấp hơn hoặc bằng giá bán lẻ cao nhất. Tùy theo vùng miền giá bán lẻ cao nhất do nhà nước ấn định đối với gạo có phẩm cấp trung bình là 0.71-0.77 USD/kg; gạo phẩm cấp cao là 0.9-0.96 USD/kg.

Tuy nhiên, thực thế hiện nay do nguôn cung gạo khan hiếm, giá gạo bán lẻ thực tế tại các chợ dân sinh luôn cao hơn giá bản lẻ nhà nước ấn định.

Giá gạo bán lẻ thực tế trung bình hiện nay đối với gạo phẩm cấp cao là 1 USD/kg, cao hơn 9,2%, gạo phẩm cấp trung bình là 0.85 USD/kg, cao hơn 20,2% so với mức bản lẻ cao nhất.

Với tình hình gạo đang thiếu hụt nghiêm trọng, trong bối cảnh mùa vụ thu hoạch chính vụ chưa bắt đầu và tháng Lễ Ramdan của người Hồi giao sẽ bắt đầu trung tuần tháng 3 và kéo dài trong 1 tháng khiến nhu cầu lương thực, thực phẩm sẽ tiếp tục gia tăng mạnh. Dự báo Chính phủ Indonesia sẽ phải tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17/1 vừa qua. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn. 

“Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường Indonesia này” ông Cường cho biết.     

Ngày 26/2, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Zulkifli Hasan cho biết, tổng lượng gạo nhập khẩu dự kiến của Indonesia mà chính phủ đã quyết định nhập trong năm 2024 là 3,6 triệu tấn, tăng thêm 1,6 triệu tấn so với dự kiến ban đầu xuất phát từ việc gieo cấy vụ canh tác chính trong năm bị chậm vì thiếu nước canh tác, ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino trong năm 2023. 

Theo dự kiến, việc thu hoạch vụ lúa này sẽ diễn ra vào tháng 5 và tháng 6 thay vì tháng 3 và tháng 4 hàng năm. Trong đó 2 triệu tấn đã được cấp giấy phép. Giấy phép nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn sẽ sớm được ban hành sau khi hoàn tất một số thủ tục hành chính liên quan.

Trong tổng số 2 triệu tấn đã được cấp phép, Indonesia đã thực hiện được khoảng gần 400 tấn. Số lượng, thời điểm nhập khẩu sẽ do chính phủ quyết định và thông báo căn cứ vào tình hình diễn biến vào tình hình sản xuất trong nước, diễn biến thời tiết và thị trường nội địa. 

Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, trong năm 2023 nước này đề ra mục tiêu sản xuất khoảng 32 triệu tấn gạo, tương đương với mục tiêu năm 2022. Tuy nhiên theo Cơ quan thống kê Indonesia, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, diện tích canh tác bị thu hẹp và sản lượng thóc dự kiến thu hoạch chỉ đạt 30,9 triệu tấn gạo. 

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ gạo ước tính cả năm 2023 của Indonesia là 30,62 triệu tấn, hầu như không có dư thừa gạo nội địa để dự trữ. 

Sản xuất gạo trong nước thiếu hụt đã buộc chính phủ Indonesia sau hơn 3 năm không phải nhập khẩu gạo dự trữ quốc gia đã phải nhập khẩu một số lượng lớn với tổng hạn ngạch nhập khẩu trong năm 2023 là 3,5 triệu tấn gạo so với mức nhập khẩu trung bình giai đoạn 2019-2022 chỉ là 409 nghìn tấn/năm. 

Tuy nhiên, do khan hiếm nguồn cung thế giới, tính đến hết 31/12/2023, Cơ quan hậu cần quốc gia (Bulog) – đơn vị đầu mối nhập khẩu gạo dự trữ quốc gia, chỉ có thể thực hiện mua và giao hàng được tổng cộng khoảng gần 2,7 triệu tấn trong tổng hạn ngạch 3,5 triệu tấn 2023. 

Lượng gạo nhập khẩu còn lại trong năm 2023 chưa thực hiện, chính phủ xem xét gia hạn kéo dài thực hiện trong những tháng đầu 2024.

Ngày 5/12/2023, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu phải tăng dự trữ gạo quốc gia lên khoảng 3 triệu tấn trong năm 2024. Trong năm 2024, Bộ Nông nghiệp Indonesia đề ra kế hoạch sản xuất khoảng 32 triệu tấn gạo tăng 1 triệu tấn gạo so với năm 2023.  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0876 242 242