Trên hình là logo của 5 trong 7 thành viên nhóm “Magnificent Seven”, gồm Alphabet (công ty mẹ Google), Apple, Meta (công ty mẹ Facebook), Amazon và Microsoft. Nhóm cổ phiếu công nghệ này đang có sức ảnh hưởng to lớn đến thị trường chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Getty Images).

Trong một báo cáo công bố hôm 2/2, Bank of America đã gióng lên lời cảnh báo về thị trường chứng khoán Mỹ, đặc biệt là về đà tăng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn.

Gã khổng lồ ngành ngân hàng cho biết vào quý IV năm ngoái, đà đi xuống của lợi suất trái phiếu kho bạc đã giúp thúc đẩy giá cổ phiếu đi lên. Tuy nhiên, xu hướng đã thay đổi trong tháng đầu tiên của năm 2024, khi cả lợi suất và giá cổ phiếu đều tăng vọt trong 4 tuần qua.

Các nhà phân tích của Bank of America, dẫn đầu là ông Michael Harnett, lưu ý rằng diễn biến này thường xuất hiện trong các giai đoạn sau suy thoái kinh tế hoặc trong thời kỳ bong bóng, tương tự như kỷ nguyên dot-com cuối những năm 1990.

“Magnificent Seven” – nhóm 7 cổ phiếu công nghệ gồm Apple, Alphabet, Amazon, Meta, Microsoft, Nvidia và Tesla – đang chiếm khoảng 45% mức tăng của chỉ số S&P 500 trong tháng 1, tiếp nối thành tích vượt trội trong suốt năm 2023.

Nếu không tính cổ phiếu Tesla giảm mạnh trong năm nay, Magnificent Seven thực chất đang chiếm tới 71% tỷ suất sinh lời của S&P 500.

Bank of America cho biết, với tổng vốn hoá là 12.500 tỷ USD, nhóm cổ phiếu công nghệ trên đã vượt qua GDP của nhiều thành phố lớn trên toàn cầu như New York, Tokyo, Los Angeles, London, Paris, Seoul, Chicago, San Francisco và Thượng Hải.

 

Trong vài tháng qua, nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 3 năm nay vì lạm phát đang tiếp tục giảm xuống mức mục tiêu 2% của các nhà hoạch định chính sách. Các chuyên gia coi đây là động lực giúp chứng khoán Mỹ bật tăng mạnh từ khoảng cuối năm 2023.

Tuy nhiên, sau cuộc họp chính sách tháng 1 kết thúc vào giữa tuần này, Chủ tịch Jerome Powell lưu ý rằng nhiều khả năng Fed sẽ không cắt giảm chi phí đi vay tại cuộc họp tháng 3 như kỳ vọng của thị trường.

Tuyên bố chính sách của Fed cũng có một số điều chỉnh, cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ đã loại bỏ khả năng tăng lãi suất bổ sung nhưng vẫn chưa sẵn sàng cắt giảm chi phí đi vay.

Mặc dù vẫn có khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 3, ông Hartnett nói thị trường dường như không quá bận tâm về động thái tiếp theo của Chủ tịch Powell và các đồng nghiệp.

Vị chuyên gia nhấn mạnh rằng Fed chỉ đóng vai trò hỗ trợ giá tài sản nếu có một “yếu tố thay đổi cuộc chơi và môi trường vĩ mô lớn” xuất hiện, chẳng hạn như lạm phát bật tăng hoặc tỷ lệ thất nghiệp nhảy vọt.

Bank of America lưu ý rằng khoảng 75% nhà đầu tư đang kỳ vọng vào kịch bản hạ cánh mềm, 20% dự đoán nền kinh tế sẽ không hạ cánh và 5% tin rằng Mỹ sẽ hạ cánh cứng.

Hạ cánh mềm sẽ là kịch bản giúp gia tăng “độ rộng” của thị trường (tức số lượng cổ phiếu tham gia vào đợt tăng giá), trong khi trái phiếu sẽ hưởng lợi khi nền kinh tế Mỹ hạ cánh cứng.

Tuy nhiên, diễn biến giá chứng khoán gần đây cho thấy một bong bóng có thể đang hình thành, Bank of America nhấn mạnh.

Nhận định của ông Hartnett và các đồng nghiệp có phần tương tự với một số chuyên gia khác. Gần đây, chiến lược gia có tiếng Ed Yardeni cùng các nhà đầu tư kỳ cựu Jon Wolfenbarger và Ted Oakley đã cảnh báo rằng thị trường chứng khoán đang có những đặc điểm giống như bong bóng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0876 242 242