Chính sách tiền tệ đang có sự phân hoá lớn giữa các ngân hàng trung ương lớn như Mỹ hay châu Âu tăng mạnh lãi suất điều hành để kiểm soát lạm phát trong khi Trung Quốc và Nhật Bản và cả Việt Nam lại nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Với Việt Nam, kể từ tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần liên tiếp hạ lãi suất đi ngược với xu hướng tiếp tục tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Hiếm khi nào lãi suất điều hành của Việt Nam lại ngang bằng với Mỹ trong khi trước đây lãi suất tại Việt Nam luôn cao hơn Mỹ.
Bình luận về yếu tố này tạiHội thảo “Tích luỹ vị thế – Sẵn sàng bùng nổ” diễn ra 26/8, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho rằng, lãi suất điều hành của Việt Nam chưa bao giờ ngang bằng với Mỹ và cũng chưa bao giờ Việt Nam có lạm phát thấp hơn Mỹ như giai đoạn này.
Tuy nhiên, nếu xét đến lãi suất thực Việt Nam vẫn ở mức cao hơn. Cụ thể, lãi suất cho vay kỳ hạn 30 năm ở Mỹ chỉ có 7% còn ở Việt Nam lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm khoảng 11-12%. Trong khi đó, lạm phát Việt Nam là 3% của Mỹ là 4%. Như vậy, dù lãi suất điều hành ngang nhau nhưng lãi suất thực của Việt Nam vẫn cao hơn tại Mỹ.
Việt Nam vẫn còn tiềm năng để hạ lãi suất
Chính vì vậy, ông Nghĩa cho rằng, vẫn còn tiềm năng hạ lãi suất. Hiếm khi chúng ta có vị thế lạm phát của Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Mỹ, lạm phát của Mỹ đỉnh điểm ở mức gần 10% trong khi Việt Nam chỉ 3,31%, đó là một điều bất thường trong lịch sử. Đây cũng là cơ sở để lãi suất của Việt Nam ngang bằng với lãi suất tại Mỹ và thậm chí là thấp hơn.
Theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, hiện lãi suất mới chỉ ngang bằng với thời điểm đầu năm ngoái, trước khi NHNN tăng lãi suất để đối phó với vấn đề tỷ giá. Dòng tiền của các doanh nghiệp hiện phần lớn là âm, đây là dấu hiệu suy thoái nhưng có thể phục hồi. Tuy nhiên, nếu áp vào các điều kiện cho vay thì nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được, dẫn đến không tiếp cận được với dòng vốn tín dụng.
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng tăng rất thấp trong 7 tháng đầu năm. Nếu doanh nghiệp không tiếp cận được với nguồn vốn, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại, nợ xấu của ngân hàng sẽ tăng lên, doanh nghiệp nợ đọng nhau khá nhiều.
Chuyên gia đánh giá, lãi suất tiền gửi hiện đã giảm khá tích cực nhưng lãi suất cho vay vẫn còn dư địa giảm tiếp. Nguyên nhân là do có độ trễ về chính sách, các ngân hàng vừa huy động lãi suất tiền gửi ở mức rất cao nên lãi suất cho vay chưa thể giảm ngay. Bên cạnh đó, nợ xấu cũng có rủi ro gia tăng nên các ngân hàng phải giữ cho vay ở mức tương đối.
Một điểm nữa là cung tiền (M2) hiện nay vẫn đang rất thấp. Thông thường, cung tiền phải ngang bằng với GDP danh nghĩa tức là GDP tính theo giá hiện hành, nghĩa là phải đạt khoảng 7% nhưng hiện cung tiền thực tế mới chỉ tăng chưa tới 3%.
Vòng quay tiền mấy năm gần đây cũng tương đối chậm, hiện ở mức 0,64 vòng/năm thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình 2,3-2,5 vòng, dẫn đến thanh khoản cả thị trường ảm đạm. “Tăng cung tiền, giảm lãi suất vẫn là giải pháp quan trọng để phục hồi kinh tế”, chuyên gia khuyến nghị.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, VPBankS Research cho rằng, việc chính sách tiền tệ chuyển từ “chắc chắn” sang “linh hoạt, nới lỏng hơn” đãhỗ trợ cho đà phục hồi của thị trường song điều này cũng gây sức ép lên tỷ giá.
Hiệu ứng phụ của việc giảm lãi suất là sự chênh lệch giữa lãi suất giữa VND và USD lên tới trên 500 điểm cơ bản đang kích thích hoạt động đầu cơ, tạo sức ép lên tỷ giá trong những tuần gần đây.
Sau đợt tăng lãi suất hồi tháng 7 của Fed, tỷ giá đã có dấu hiệu nhích dần đều.Bên cạnh đó, nhu cầu ngoại tệ tăng lên theo mùa vụ đã tác động không nhỏ tới tỷ giá VND/USD. Tuy nhiên, NHNN đã điều hành khá linh hoạt, ông Sơn dự báo tỷ giá sẽ dao động tối đa khoảng 2%.
“Mặc dù áp lực lên VND đã tăng nhưng chưa đến mức đáng ngại, tuy nhiên cũng có thể khiến kỳ vọng về việc NHNN tiếp tục hạ lãi suất điều hành sẽ gặp nhiều khó khăn hơn”, ông Sơn cho hay.
Doanh nghiệp mong lãi suất về như năm 2020
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, ngoài các nguyên nhân như bối cảnh rủi ro khiến doanh nghiệp không dám vay vốn để mở rộng điều kiện kinh doanh còn có hiện tượng ngân hàng siết tiêu chuẩn tín dụng.
Theo ông, trải qua năm 2022 và 2021, rất nhiều sự việc không lành mạnh xảy ra ở các khách hàng của họ nên các ngân hàng đều đã siết chặt điều kiện cho vay, thủ tục cho vay chặt chẽ hơn.
“Có những doanh nghiệp trước đây trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng tốt có thể đáp ứng được điều kiện cho vay nhưng trong môi trường rủi ro như hiện nay vẫn nhưng chỉ số đó lại không thể vay vốn vì không đủ điều kiện cho vay”, ông Việt Anh nói.
Ông cũng cho rằng, từ sau dịch COVID-19, thị trường của doanh nghiệp rất khó khăn, giá sản phẩm không những không tăng mà thậm chí còn giảm. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn lãi suất quay về mức như thời kỳ năm 2020 bởi hiện nay chi phí lãi suất vẫn cao hơn cao hơn 2020 trong khi dòng tiền về và thị trường lại thấp hơn cả thời kỳ COVID-19.