Theo Nikkei Asia, giá than nhiệt được giao ngay hơn 159 USD/tấn tại cảng Newcastle của Australia hôm thứ Hai (11/9). Điểm chuẩn đã tăng tuần thứ bảy liên tiếp, chạm mức cao chưa từng thấy kể từ giữa tháng 5 và tăng 31% so với mức thấp gần đây vào cuối tháng 6.
Giá giao ngay của than nhiệt giảm từ tháng 4 đến tháng 6 do nhu cầu từ các nhà cung cấp điện chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên. Vào thời điểm đó, giá khí đốt tự nhiên đã giảm nhờ nhu cầu ở Châu Âu hạ nhiệt, nơi có mùa đông ấm áp.
Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc trì trệ do sự sụt giảm bất động sản, nước này vẫn ưu tiên an ninh năng lượng kể từ khi căng thẳng Nga – Ukraine bắt đầu. Họ đã tăng cường mua than ngay cả khi có chủ trương dần loại bỏ dần loại nhiên liệu giá rẻ này vì lo ngại ô nhiễm.
Theo công ty dữ liệu tài chính Refinitiv, Trung Quốc đã nhập khẩu 31 triệu tấn than nhiệt bằng đường biển trong tháng 5 – gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Sức mua của Trung Quốc giảm trong tháng 6, sau đó lấy lại đà tăng trong tháng 7. Nhập khẩu tháng 8 đạt 29 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc đã nhập khẩu 246 triệu tấn than nhiệt từ đầu năm đến nay, cao hơn nhiều so với 232 triệu tấn của một năm trước đó.
Thúc đẩy xu hướng này là hạn hán quét qua vùng Tây Nam Trung Quốc, ảnh hưởng đến các đập thủy điện tập trung trong khu vực. Kết quả là, dù không muốn nhưng Trung Quốc buộc phải dùng đến nhiệt điện than. Theo Cục Thống kê Quốc gia, sản lượng thủy điện giảm 18% so với cùng kỳ vào tháng 7, trong khi sản lượng điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch tăng 7%.
Đặc biệt, Trung Quốc đã nhập khẩu than từ Australia. Lượng nhập khẩu này đạt 6 triệu tấn trong tháng 7, mức cao nhất trong 3 năm giống như tháng trước. Vào tháng 8, Trung Quốc dường như đã nhập khẩu hơn 5 triệu tấn than của Australia.
Trung Quốc đã hạn chế nhập khẩu than của Australia vào năm 2020 trong bối cảnh tranh chấp với Canberra về lời kêu gọi điều tra nguồn gốc của Covid-19. Các biện pháp kiểm soát về cơ bản đã bị loại bỏ vào tháng 1 sau khi hai bên tìm cách hàn gắn mối quan hệ kinh tế.
Trung Quốc chủ yếu mua than chất lượng thấp, có giá trị sinh nhiệt thấp.
Một nguồn tin tại Tổ chức An ninh Kim loại và Năng lượng Nhật Bản (JOGMEC) cho biết: “Các nhà sản xuất than Australia đang chuyển sản xuất từ than chất lượng cao sang than chất lượng thấp trước nhu cầu mua mạnh mẽ của Trung Quốc”. Than chất lượng cao đóng vai trò là tiêu chuẩn quốc tế và nguồn cung giảm đã đẩy giá lên cao.
Trung Quốc đặt mục tiêu đạt được mức trung hòa carbon trước năm 2060 và mức tiêu thụ than của nước này sẽ đạt đỉnh vào năm 2025. Việc chuyển hướng quay trở lại sử dụng than đang cản trở tiến trình của nước này và tác động tiêu cực đến môi trường.
Thị trường nhận thấy giá than vẫn ở mức cao do lo ngại về nguồn cung khí đốt tự nhiên kéo dài. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine chưa có hồi kết và các cuộc đình công của công nhân vẫn tiếp tục diễn ra tại các cơ sở sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Australia.
Ông Yoshiaki Takahashi, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Năng lượng, Nhật Bản, cho biết: “Giá sẽ tiếp tục tăng vào mùa đông”.
Giá than cao hơn sẽ gây tổn hại cho các nước tiêu thụ khác phục thuộc vào nguồn cung nhập khẩu. Pakistan đã sử dụng nhiều than hơn sau giai đoạn giá LNG tăng phi mã. Bangladesh không thể mua đủ than vì thiếu ngoại tệ. Tình trạng thiếu điện sẽ làm gián đoạn hoạt động công nghiệp nếu giá than cao hơn vẫn tiếp tục.
Ở Nhật Bản nghèo tài nguyên, than chiếm khoảng 30% cơ cấu sản xuất điện. Nếu chi phí sản xuất điện tăng vọt, chính phủ có thể tăng cường trợ cấp để kiềm chế hóa đơn tiền điện tăng.